Chống lạm phát: Bình ổn giá gạo, chưa tăng lương

Tại Thái Lan (nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới), giá gạo thơm jasmin xuất khẩu ngày 5-4 đã vượt qua ngưỡng 1.000 USD/tấn, tăng 90 USD so với cách đây một tuần.

Bình ổn thị trường gạo

Giá gạo tăng từng ngày, do có tin đồn sẽ thiếu gạo trên thị trường nội địa, người dân Thái Lan bắt đầu lục tục lo tích trữ gạo. Các siêu thị ghi nhận gạo đóng bao bán chạy gấp ba lần so với những ngày trước.

Một số nhà cung cấp gạo hăm he sẽ cắt hợp đồng với các trường học, trại giam, nhà nuôi dạy trẻ mồ côi nếu những nơi này không chịu mua gạo theo giá mới.

Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã tuyên bố trấn an người dân rằng không có lý do gì phải hốt hoảng vì quỹ dự trữ gạo của chính phủ hiện có hơn hai triệu tấn, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu quốc gia trong ba tháng.

Ngày 5-4, chính phủ Thái Lan cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bên có liên quan trong ngành công nghiệp lúa gạo để tìm giải pháp bảo đảm bình ổn giá cả thị trường gạo trong nước.

Tại Philippines (nước nhập khẩu gạo đứng đầu thế giới), ngày 4-4, Tổng thống Gloria Arroyo thông báo: Chính phủ sẽ thực hiện chương trình trợ vốn cho nông dân để bảo đảm mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo vào năm 2010. Một trong các biện pháp là giải ngân cho nông dân vay vốn với số tiền tổng cộng 250 triệu euro (6.370 tỷ đồng VN).

Biểu tình đòi tăng lương

Trước tình hình lạm phát đang gia tăng, ngày 5-4, theo lời kêu gọi của Liên hiệp Các công đoàn châu Âu, hàng chục ngàn người từ khắp nơi ở châu Âu đã tập trung về thủ đô Ljubljana của Slovenia (nước đang giữ chức chủ tịch Liên minh châu Âu) để biểu tình yêu cầu tăng lương.

Ước tính có 54 công đoàn của 29 quốc gia châu Âu (hầu hết thuộc Liên minh châu Âu) tham gia biểu tình, trong đó có nước xa xôi như Liên bang Nga.

Thủ đô Ljubljana được chọn làm nơi tập trung biểu tình vì cách địa điểm biểu tình vài km, bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu cùng với Ngân hàng trung ương châu Âu đang tham dự một hội nghị bàn giải pháp chống lạm phát kéo dài trong hai ngày.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet tuyên bố không thể bắt chước Đức áp dụng biện pháp tăng lương (tăng thêm 8%) để chống lạm phát, vì tăng lương chỉ có thể kéo theo lạm phát. Trong tháng 3, mức lạm phát trong khu vực đồng euro đã đạt mức kỷ lục 3,5%.

Trong khi đó tại Haiti, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình trong hai ngày 4 và 5-4 tại thành phố Les Cayes (miền Nam) để phản đối giá lương thực gia tăng. Xô xát đã xảy ra, tối thiểu có ba người chết và 25 người bị thương.

Những người biểu tình đã phong tỏa đường sá, cướp bóc cửa hàng, đốt xe, phá cổng trụ sở lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Haiti. Lệnh giới nghiêm đã được ban hành.

Thủ tướng Jacques Edouard Alexis thừa nhận dân chúng có quyền biểu tình nhưng ông lên án các băng nhóm ma túy đã kích động những người biểu tình gây rối vì thời gian gần đây, quân đội đã thực hiện nhiều chiến dịch trấn áp bọn buôn ma túy.

Thủ tướng Haiti cũng đã thông báo hàng loạt biện pháp khẩn cấp cứu trợ người nghèo đói. Hiện nay, giá gạo tại Haiti đã tăng 50% so với cách đây một năm.

Kiểm soát giá vận tải, điện, nước

Ngày 3-4, Ủy ban tư vấn về đấu tranh chống đói nghèo và loại trừ xã hội (giữ vai trò tư vấn cho chính quyền tỉnh Québec, Canada) đã đệ trình 11 biện pháp kiềm chế lạm phát. Ủy ban khuyến cáo nên giảm 50% giá cước vận tải công cộng trong vòng 10 năm và đề nghị phải kiểm soát chặt mọi biến động tăng giá điện, nước.

Ủy ban cũng đề nghị có chính sách cho vay sử dụng năng lượng đối với gia đình có thu nhập thấp, đồng thời phải chỉ số hóa một số khoản trợ cấp xã hội căn cứ theo giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, chất đốt, điện, quần áo, cước giao thông. Đặc biệt, đối với giá điện, Ủy ban đề nghị phải chấm dứt mọi quyết định tăng giá cho dù đó là quyết định của ngành điện lực.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm