Chính sách đối ngoại của Mỹ: Ngăn nước lớn bắt nạt nước nhỏ

Trang web Nhà Trắng đưa tin ngày 11-6 (giờ địa phương), tại Hội nghị an ninh quốc gia lần thứ 8 do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức tại Washington, D.C., cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại.

Bài phát biểu có tựa đề “Sức mạnh của vai trò lãnh đạo Mỹ, sức mạnh của hành động tập thể” gồm các phần chủ yếu:

Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo trung tâm: Mở đầu bài phát biểu, bà Susan Rice đã nhắc lại trong cuộc nói chuyện cách đây hai tuần tại Học viện Quân sự West Point, Tổng thống Obama đã nói vấn đề hiện nay không phải là Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21 hay không mà là Mỹ sẽ lãnh đạo thế nào.

Bà khẳng định với mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn, Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo trung tâm để định dạng một thế giới tự do hơn, an toàn hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn.

Mỹ sẽ lãnh đạo bằng cách huy động mọi yếu tố sức mạnh quốc gia mà bắt đầu là sức mạnh quân sự được sử dụng khôn ngoan khi cần thiết; củng cố các quan hệ đối tác hiệu quả, huy động các nguồn lực của các đối tác; kiên quyết bảo vệ phẩm giá con người và công bằng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ngày 11-6. Ảnh: CHINA DAILY

Chiến lược huy động đồng minh: Bà Susan Rice nhấn mạnh trụ cột trong chiến lược lãnh đạo của Mỹ là huy động đồng minh. Bà nhấn mạnh khi thúc đẩy hành động tập thể, Mỹ sẽ tạo ra các kết quả bền vững hơn, chính đáng hơn và ít tốn kém hơn.

Khi thách thức mang tính toàn cầu nảy sinh, Mỹ luôn luôn phải tìm đến các đồng minh truyền thống. Như trong sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, Mỹ đã tập hợp cộng đồng quốc tế bao gồm Liên minh châu Âu và các đối tác khác để trừng phạt Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều dự báo khoảng 100-200 tỉ USD dòng vốn rút khỏi Nga trong năm nay.

Bà khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh bằng toàn bộ sức mạnh quân sự nhưng đồng thời Mỹ cũng mong muốn các đồng minh và đối tác cùng chia sẻ gánh nặng an ninh tập thể.

Quy tắc ngăn chặn nước lớn bắt nạt nước nhỏ: Susan Rice nhận định an ninh của Mỹ phụ thuộc vào việc xác định và tuân thủ các quy tắc chi phối các không gian mà Mỹ và các nước chia sẻ. Các quy tắc này loại bỏ cách hành xử hung hăng và ngăn chặn khả năng các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ, đồng thời thiết lập các phương thức để giải quyết xung đột một cách ôn hòa.

Một yếu tố quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là phối hợp với các đối tác để củng cố tổ chức khu vực và các chuẩn mực quốc tế.

Đó là lý do tại sao Mỹ hợp tác với ASEAN để thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông nhằm nâng cao an ninh biển, củng cố luật pháp quốc tế và tăng cường sức mạnh các quy tắc hành xử trong khu vực.

Đó cũng là lý do tại sao Mỹ cùng các đối tác mở rộng hợp tác thực thi luật pháp quốc tế và bảo đảm các chuẩn mực mới xuất hiện như bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, được tôn trọng trong không gian mạng. Mỹ cũng đang cùng các đối tác đặt ra các chuẩn mực hành xử để bảo vệ không gian mạng thông thoáng, đáng tin cậy, truy cứu trách nhiệm những kẻ ác ý.

LÊ LINH

Úc-Mỹ phản đối đe dọa trên biển Đông

Ngày 12-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Úc Tony Abbott đã hội đàm với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng (ảnh). Trang web Nhà Trắng đưa tin tại hội đàm, Tổng thống Obama nhận định quan hệ đồng minh Mỹ-Úc là điểm tựa cho hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, do đó Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Úc để duy trì môi trường an ninh ổn định và trật tự khu vực.

Hai bên đã nhất trí thỏa thuận mang tên “Thỏa thuận bố trí lực lượng Mỹ-Úc”. Theo thỏa thuận, Úc cho phép Mỹ triển khai thêm nhiều phương tiện quân sự đến Úc trong 25 năm tới và nâng cao hợp tác về xây dựng năng lực biển, cứu trợ thảm họa và nhân đạo…

Chính sách đối ngoại của Mỹ: Ngăn nước lớn bắt nạt nước nhỏ ảnh 2

Về tranh chấp trên biển, hai bên mong muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương không bị cản trở, duy trì tự do hàng hải và tự do bay qua. Hai bên phản đối sử dụng đe dọa hoặc vũ lực để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền biển ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Hai bên kêu gọi các bên tranh chấp làm sáng tỏ các tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế và ủng hộ quyền tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp thông qua các cơ chế pháp lý, bao gồm cơ chế phân xử trọng tài theo Công ước LHQ về Luật Biển. Hai bên tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm