Chính quyền ông Biden tái khẳng định lập trường Biển Đông thời ông Trump

Theo hãng tin AP, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-7 đã tái khẳng định lập trường của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump bác bỏ gần như tất cả các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Philippines trong khu vực điểm nóng này sẽ dẫn đến việc Mỹ đáp trả căn cứ theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines.

Mỹ tái khẳng định lập trường về Biển Đông, cảnh báo 'rát' Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra thông điệp nghiêm khắc trên trong bối cảnh Philippines ngày 12-7 sẽ kỷ niệm năm năm ngày ra phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông (12-7-2016), trong đó bác bỏ các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Trước đó, trong bối cảnh Philippines kỷ niệm bốn năm ngày ra phán quyết, chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 7-2020 đã đưa ra lập trường ủng hộ phán quyết, đồng thời khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken hôm 11-7 đã tái khẳng định lập trường của chính quyền tiền nhiệm, vốn do người tiền nhiệm là Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra.

“Không nơi nào trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông” – ông Blinken tuyên bố, sử dụng ngôn từ tương tự ông Pompeo.

Ông Blinken cáo buộc Trung Quốc tiếp tục “ép buộc và đe dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải trên tuyến đường thủy toàn cầu quan trọng này”.

“Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13-7-2020 liên quan các yêu sách chủ quyền hàng hải ở Biển Đông” – ông Blinken nói, đề cập tuyên bố ban đầu của ông Pompeo.

“Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Mỹ” – ông Blinken nhấn mạnh.

Theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines năm 1951, Washington và Manila sẽ viện trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. 

Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước tuyên bố của chính quyền ông Trump và có khả năng sẽ đưa ra phản ứng tương tự trước quyết định của chính quyền ông Biden trong việc giữ lại và củng cố lập trường này.

“Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, ngừng các hành vi khiêu khích và thực hiện các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng họ cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của tất cả các nước, lớn và nhỏ” – ông Blinken tuyên bố hôm 11-7.

Tuyên bố của chính quyền ông Biden được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng liên quan nhiều vấn đề, bao gồm đại dịch COVID-19, nhân quyền, chính sách của Trung Quốc ở Hong Kong và Tây Tạng, cũng như vấn đề thương mại, vốn đã khiến quan hệ song phương lao dốc.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và thường xuyên phản đối bất kỳ hành động nào của quân đội Mỹ trong khu vực. 

Bắc Kinh đã tìm cách củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp của mình tại khu vực này bằng cách xây dựng trái phép các căn cứ quân sự, dẫn đến việc Mỹ điều tàu chiến di chuyển trong khu vực trong các sứ mệnh “tự do hàng hải”.

Tuy không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông, song Mỹ đã có các động thái triển khai tàu, máy bay đến khu vực nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trên tuyến đường thủy này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm