Chinh phục không gian: cuộc đua của những "ông lớn" châu Á

Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Nhật đã phóng thành công một tên lửa thế hệ mới H-2A có mang một thiết bị thăm dò Mặt Trăng. Đây là chặng đầu tiên trong chương trình chinh phục Mặt Trăng đầy tham vọng của người Nhật kể từ sau khi tàu không gian Appolo của Mỹ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 1969.

Ông Keiji Tachikawa, chủ tịch cơ quan thám hiểm không gian (JAXA) của Nhật khẳng định chương trình thăm dò này mang tên "Kaguya" nhằm hiểu rõ hơn nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt Trăng. Ông Tachikawa cũng không ngần ngại cho biết giấc mơ của người Nhật là xây dựng một căn cứ quốc tế có người ở trên Mặt Trăng, bởi hành tinh này không chỉ là một nơi để viếng thăm mà với người Nhật, nó còn là nơi có thể cư ngụ và khai thác.

Trong khi đó, Ấn Độ, một nước mạnh ở khu vực Nam Á cũng đang nuôi dưỡng những tham vọng tương tự khi tuyên bố đang chuẩn bị kế hoạch thực hiện 60 chương trình nghiên cứu không gian kể từ nay đến năm 2013, bao gồm cả việc tiến đến Mặt Trăng và sao Hỏa. Vào đầu tháng 9 vừa qua, Ấn Độ đã phóng thành công một vệ tinh viễn thông nhằm thay thế một vệ tinh khác đã phá hủy vào năm 2006. Trong tuần này, Ấn Độ tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế về chinh phục không gian tại Hyderabad. Trước đó, vào tháng 1-2007, Ấn Độ đã thành công và là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, khi thu hồi về Trái Đất một buồng không gian đã được đưa vào không gian vài ngày trước đó. Đây là một chương trình chuẩn bị cho một chuyến bay có người vào không gian của nước này trong tương lai. Theo cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), từ nay đến năm 2003 nước này sẽ phóng lên Mặt Trăng một tàu thăm dò không người lái và đến năm 2013 sẽ tiến hành một chương trình nghiên cứu tương tự đến sao Hỏa trước khi gửi con người vào không gian.

Trung Quốc láng giềng không chẳng kém cạnh khi có những bước đi dài hơi từ trước. Trong vòng ba năm, Trung Quốc đã thực hiện hai chương trình tàu không gian có người lái bay vòng quanh quỹ đạo và trở thành nước thứ ba trên thế giới có phi hành gia bay vào không gian bằng tàu không gian riêng của mình. Trung Quốc dự kiến trong năm nay có thể phóng một vệ tinh thám hiểm Mặt Trăng...

Theo cơ quan nghiên cứu không gian Mỹ (NASA), chỉ năm năm sau khi thành lập, NASA đã tạo ra một ngành "kinh tế không gian" thật sự và mang lại hàng tỉ USD mỗi năm. Michael Griffin, một lãnh đạo của NASA khẳng định các hoạt động kinh tế đã mang lại cho NASA khoảng 180 tỉ USD trong năm 2005, trong đó 60% gắn với thương mại và dịch vụ.

ĐỨC TRƯỜNG (Theo TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm