Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khó chấm dứt

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc (TQ) Chung Sơn - người tháp tùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Mỹ vào cuối tháng 2 vừa qua - hôm 5-3 cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington trong vài tuần gần đây “vô cùng khó khăn” và “cực kỳ tốn sức” - theo báo South China Morning Post.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của TQ lên tiếng về các cuộc thương thuyết Mỹ-Trung diễn ra liên tục thời gian qua tại cả hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.

Dấu hiệu lạc quan

Cả hai nước Mỹ, Trung được cho là đang tiến đến gần một thỏa thuận có thể chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài từ tháng 7-2018. Mỹ đã không ngừng gây áp lực lên TQ bằng cách đánh thuế thời gian qua. Gần nhất là kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ TQ trị giá 200 tỉ USD. Tuy nhiên, giới quan sát dự báo rất có thể hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ ký một thỏa thuận thương mại vào cuối tháng này tại Florida (Mỹ).

“Tôi muốn nói rằng việc thương thuyết diễn ra rất vất vả và khó khăn bởi vì hai nước có những khác biệt quá lớn về thể chế, văn hóa và nền tảng phát triển. Hai bên đã phải nỗ lực hơn mức bình thường để có thể đạt được tiếng nói chung. Vậy nên quá trình đàm phán rất gian nan và tốn sức” - ông Chung phát biểu hôm 5-3, ngày khai mạc kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc TQ.

Mô tả thêm về các cuộc đàm phán Mỹ-Trung, ông Chung nói: “Việc thương thuyết rất tốn sức. Ban đầu chúng tôi dự kiến dành hai ngày để đàm phán với nhau nhưng sau đó đã phải dành thêm hai ngày nữa để tìm kiếm thỏa thuận. Mặc dù vậy, thời gian vẫn rất hạn hẹp. Nhóm đàm phán của chúng tôi đã phải làm việc ngày đêm không nghỉ”.

Dù vậy, ông Chung thông báo rằng dẫu quá trình đàm phán rất khó khăn nhưng rất hiệu quả và đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. “Để đạt được kết quả như vậy quả thật không hề dễ dàng, vậy nên chúng ta cần phải trân trọng nó” - ông Chung nói.

Nhận xét này của phía TQ giống với thông báo phát đi từ Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố hai bên đang “rất, rất gần” với một thỏa thuận và ông dự định có cuộc gặp với nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuần này cũng xác nhận Mỹ sẽ ngưng gia tăng thuế quan với hàng hóa TQ cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Cuộc đối đầu thương mại giữa ông Donald Trump (trái) và ông Tập Cận Bình dự báo sẽ kéo dài.  Ảnh: CNN

Chấm dứt cuộc chiến: Phải chờ!

Mặc dù có một số dấu hiệu lạc quan giữa Mỹ và TQ trong đàm phán thương mại nhưng chưa có đủ cơ sở để tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chuẩn bị chấm dứt. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ chi tiết nào về thỏa thuận hai bên được tiết lộ. Thậm chí nhiều khả năng nhưng vấn đề cốt lõi nhất trong mâu thuẫn Mỹ-Trung vẫn đang chờ đợi quyết định cuối cùng của hai nhà lãnh đạo Tập-Trump vào cuối tháng này.

TQ có chấp nhận yêu cầu nào của Mỹ trong việc mở cửa thị trường, cải cách nền kinh tế hay không? Đặc biệt, Bắc Kinh có chịu thay đổi chính sách bị Washington cáo buộc là cưỡng ép chuyển giao công nghệ nhằm chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ không? Bắc Kinh sẽ làm gì để đảm bảo Mỹ an tâm về sự ổn định của tỉ giá hối đoái cũng như các cơ chế quản lý nền kinh tế của TQ? Đó là những câu hỏi mà cho đến nay phía TQ chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ nhượng bộ Mỹ.

Đến nay những gì được tiết lộ không nằm ngoài quan điểm lâu nay của TQ: Gia tăng mua hàng từ Mỹ. TQ đã đề nghị mua tăng thêm hơn 1.200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong sáu năm, bao gồm hàng nông sản và năng lượng. Đây được xem là “điểm sáng” trong việc hối thúc chính quyền ông Trump đưa ra một quyết định hòa hoãn với Bắc Kinh, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ cũng chịu tổn thương đáng kể vì cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng lời hứa bầu cử năm 2016 của ông Trump chính là yêu cầu TQ “sòng phẳng” hay “công bằng” trong giao thương với Mỹ. Nó rộng hơn rất nhiều so với việc yêu cầu TQ mua thêm hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Đến lúc này phe Dân chủ và nhóm Cộng hòa tư tưởng diều hâu TQ vẫn đang dõi theo tiến trình đàm phán. Nếu ông Trump có sự dao động trước những lợi ích tức thời mà TQ đưa ra thì ngay lập tức họ sẽ phản ứng. Một cục diện như vậy sẽ có hại cho tương lai tranh cử tổng thống vào năm 2020 của ông Trump. Và hơn ai hết, ông Trump hiểu rằng “thà không có thỏa thuận còn hơn đạt một thỏa thuận không có lợi ích gì”. Như vậy, chiến tranh thương mại dường như đang bước vào giai đoạn hòa hoãn hơn là chấm dứt.

Bài học từ thượng đỉnh Mỹ-Triều: Bất ngờ phút chót?

Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2-2019 cho thấy một góc nhìn thú vị về ông Trump. Chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ, đàm phán giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch CHDCND Triều Tiên khiến giới quan sát bất ngờ: Không đạt thỏa thuận. Ông Trump và ông Kim thậm chí trước đó đã có hàng loạt hành động thân mật, những lời nói gợi mở đầy lạc quan và thậm chí là những cuộc gặp và trò chuyện trước báo chí chưa từng có. Nhưng cũng như quyết định của cựu Tổng thống Ronald Reagan trong đàm phán với Liên Xô năm 1980 về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, ông Trump “thà không có thỏa thuận còn hơn đạt một thỏa thuận không có lợi ích gì”.

Điều này gợi mở hàm ý đối với cuộc gặp Tập-Trump vào cuối tháng này. Ông Trump đang cần những biểu hiện đủ thiện chí để tạm ngừng tăng thuế hàng TQ hơn là kết thúc chiến tranh thương mại mà không đạt được những mục tiêu cốt lõi: Yêu cầu TQ cải cách cơ chế quản lý nền kinh tế với nhà nước làm chủ đạo; buộc Bắc Kinh tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và đối xử công bằng với doanh nghiệp Mỹ. Đó mới thật sự là “di sản” mà ông Trump, chí ít qua những lời hứa của mình cần nhắm tới. Nếu theo logic “nghệ thuật đàm phán” của ông Trump, khả năng cuộc gặp Tập-Trung tới đây kết thúc bằng việc hoãn tăng thuế. Thay vào đó, Mỹ sẽ đưa ra một lộ trình cụ thể hơn đối với việc yêu cầu TQ “sòng phẳng” và “công bằng”. Nghĩa là dù hai nước đang bắn tín hiệu tích cực về kết quả đàm phán thời gian qua và tới đây, thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn xa vời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm