Chiến thắng 'ngoài dự đoán' của Taliban: Nguyên nhân và ảnh hưởng

Ngày 15-8, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và tuyên bố kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Chiến dịch tiến công chóng vánh của Taliban đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử Afghanistan.

Năm 2020, dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng đã đàm phán trực tiếp với lực lượng Taliban và thống nhất rằng Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan trước ngày 1-5-2021. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12-4 tuyên bố dời hạn chót rút quân tới ngày 11-9.

Chỉ vài ngày sau hạn chót mà ông Trump vạch ra, từ ngày 4-5, Taliban đã bắt đầu chiến dịch quân sự với đợt tấn công lớn vào tỉnh Helmand cùng ít nhất sáu tỉnh khác của Afghanistan, theo hãng tin Reuters. Chiến dịch đặc biệt nhanh từ sau khi Mỹ dần rút quân, chỉ trong 10 ngày (từ ngày 6 đến 15-8), Taliban chiếm được 26 trong số 34 tỉnh của Afghanistan và tiến thẳng vào thủ đô Kabul. Cũng trong ngày 15-8, Taliban phát đi tuyên bố chiến thắng ngay tại dinh tổng thống ở Kabul.

103 ngày là thời gian Taliban cần để kiểm soát Afghanistan, kể từ chiến dịch lớn đầu tiên nhắm vào tỉnh Helmand ngày 4-5. 

Điều gì giúp Taliban thắng chóng vánh?

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) ĐH KHXH&NV TP.HCM và là giảng viên thỉnh giảng tại ĐH Fulbright Việt Nam, chỉ ra hai lý do chính giải thích chiến thắng chóng vánh của Taliban. 

Làn sóng người tìm cách rời khỏi Afghanistan sau khi Taliban chiếm Kabul vẫn chưa dừng lại. (Ảnh chụp tại sân bay quốc tế ở Kabul ngày 16-8). 
Nguồn ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Đầu tiên, Taliban đã “thay đổi chiến thuật”, hứa không lặp lại những chính sách bạo lực, trả thù phe đối nghịch như những gì lực lượng này từng thực hiện trong giai đoạn nắm quyền ở Kabul (1996-2001). Nhiều quan chức Afghanistan tin vào lời cam kết này đã bàn giao chính quyền địa phương cho Taliban một cách hòa bình. Các TP chiến lược như Kandahar - trung tâm kinh tế phía nam Afghanistan, Jalalabad - cách Kabul khoảng 150 km đường bộ hay Mazar-i-Sharif - nơi từng là thành trì chống Taliban dữ dội vào những năm 1990 đều về tay Taliban mà không có cuộc giao tranh nào.

Nguyên nhân thứ hai được TS Trung nhắc tới là vấn nạn tham nhũng của chính quyền Afghanistan. Có sự tương phản giữa cuộc sống xa hoa của các quan chức Afghanistan và sự nghèo khó chưa được cải thiện của người dân. Với quan điểm tương tự, chuyên gia Kamal Alam, học giả được mời nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng người dân Afghanistan có khi còn ghét chính phủ hơn là ghét Taliban. Ngoài ra, quân đội Afghanistan bị cho là thiếu tinh thần chiến đấu.

Những điều này cũng được Tổng thống Biden chỉ ra trong bài phát biểu hôm 16-8, lần đầu tiên sau khi Taliban tiến vào Kabul. Ông Biden chỉ trích Afghanistan đã phớt lờ những khuyến cáo của Mỹ rằng Kabul cần thay đổi cả về quân sự lẫn chính trị để mạnh mẽ hơn và gia tăng niềm tin trong dân chúng.

Chính quyền Afghanistan sụp đổ nhanh “ngoài dự đoán”

Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan trước sự tấn công của quân Taliban là “vượt ngoài dự đoán của các chính phủ nước ngoài” - TS Trung nhận xét. Tuần trước, truyền thông quốc tế dẫn tin tình báo rò rỉ từ Mỹ rằng Taliban có thể kiểm soát Kabul trong 90 ngày nhưng Washington không xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, Tổng thống Biden hôm 16-8 phải thừa nhận Mỹ đã không lường trước sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Afghanistan.

Việc Tổng thống Afghanistan - ông Ashraf Ghani lánh ra nước ngoài thay vì ở lại chỉ huy hệ thống phòng thủ ở Kabul là biểu hiện của “sự lỏng lẻo, thiếu quyết tâm chính trị, cũng như ích kỷ cá nhân của giới cầm quyền Kabul” - theo TS Trung.

Tuy nhiên, TS Trung cũng lưu ý rằng sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Ghani sẽ để lại nhiều vấn đề cho giai đoạn Taliban điều hành đất nước Afghanistan - một đất nước của nhiều sắc tộc, bộ lạc với ngôn ngữ và quan điểm khác nhau dù cùng theo Hồi giáo.

Một trong những vấn đề đó, dù chính quyền Kabul đã bị Taliban đánh bại, các phe phái và bộ lạc ở Afghanistan có quan điểm chống Taliban vẫn tồn tại và có thể vẫn duy trì được sức mạnh. Thực tế này làm cho “Taliban sẽ không dễ gì có thể thiết lập một chính quyền vững chắc nếu họ không có một sức mạnh thật sự” - TS Trung nhận định.

Tình hình Afghanistan ảnh hưởng tới thế giới ra sao?

Biến động chính trị ở Afghanistan ảnh hưởng nhất định tới tình hình an ninh khu vực và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong vài tuần qua, Nga, Trung Quốc (TQ) cùng một số quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực đã tiếp đón các phái đoàn Taliban. Nga và TQ đã được Taliban bảo đảm sẽ không tấn công vào lợi ích của hai nước này ở Afghanistan. Trong đó, TQ là nước có chung biên giới với Afghanistan và có vẻ là bên quan tâm nhiều hơn tới tình hình ở quốc gia láng giềng này.

Bắc Kinh chắc chắn không muốn một nhà nước do Taliban nắm quyền ủng hộ người Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương đòi độc lập khỏi TQ. Do đó, TS Trung dự đoán rằng TQ sẽ muốn thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới của Taliban.

Trong khi đó, trước mắt Taliban “sẽ không dại dột” tấn công vào các lợi ích của Mỹ vì lực lượng này “quá hiểu sức mạnh” của Washington sau khi chính lực lượng này đã thất bại trước Mỹ trong chiến dịch “Tự do bền vững” năm 2001 và mất quyền lãnh đạo Afghanistan.

Khi giữ nguyên quyết định rút quân, ông Biden tuyên bố lý do là vì đã đạt được mục tiêu ngăn Afghanistan trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ muốn tấn công khủng bố trên đất Mỹ. Tuy nhiên, TS Trung lại cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ “chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố không còn quan trọng dưới thời Tổng thống Biden” và Mỹ không muốn mất thêm tiền của và sinh mạng ở Afghanistan.

Không chỉ Mỹ, TQ hay Nga quan tâm tới tình hình ở Afghanistan, cả thế giới đang dõi theo mọi diễn biến chuyển tiếp quyền lực ở Kabul và hy vọng sự ổn định sẽ tới với quốc gia có lịch sử đầy rẫy bất ổn này.

Tình hình Kabul trong ngày đầu tiên dưới quyền kiểm soát
của Taliban

Theo kênh truyền hình tư nhân TOLOnews, Kabul “thay đổi đáng kể” khi thuộc quyền kiểm soát của Taliban từ ngày 15-8. Phần lớn các cửa hàng, doanh nghiệp, công sở đóng cửa. Lá quốc kỳ lớn nhất của Afghanistan tại đồi Wazir Akbar Khan bị hạ xuống. Giao thông thưa thớt với ít người ra đường bằng phương tiện cá nhân. Khu dân cư Deh Afghanan vốn nhộn nhịp của Kabul cũng trở nên yên tĩnh.

Theo hãng tin AP, chưa có báo cáo về tình trạng bạo lực, giao tranh hay các hành động bất lương xảy ra sau khi Taliban kiểm soát Kabul. Tuy nhiên, một số nhà tù có vẻ đã bị phá và không còn phạm nhân nào bên trong.

Cũng theo TOLOnews, ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong số hàng ngàn người chen lấn ở sân bay Kabul tìm cách rời khỏi Afghanistan kể từ sáng 15-8. Kênh tin này cũng chia sẻ một video cho thấy ba người rơi từ một máy bay quân sự Mỹ sau khi máy bay cất cánh từ sân bay Kabul.

Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục chiến dịch sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao, cũng như những người Afghanistan từng làm việc cho các phái đoàn phương Tây. Theo Reuters, các chuyến bay đã được khởi động lại từ sáng 17-8 sau khi bị tạm dừng hôm 16-8 vì hỗn loạn ở sân bay Kabul.

AP cho biết thủ lĩnh cấp cao Taliban - ông Amir Khan Muttaqi đang đàm phán với cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và ông Abdullah Abdullah, người từng đứng đầu Hội đồng đàm phán quốc gia. Mục tiêu đàm phán là xây dựng một chính quyền có đầy đủ thành phần, kể cả những lãnh đạo không thuộc Taliban. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm