Chiến sự Syria phủ bóng hòa đàm tại Nga

Chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ đánh lực lượng các tay súng người Kurd (YPG) ở Afrin, tỉnh Aleppo (Đông Bắc Syria) vẫn đang tiếp diễn căng thẳng. Ở tỉnh Idlib gần bên, đã có ít nhất 21 người thiệt mạng ngày 29-1 vì các trận không kích được cho là do chính phủ Syria thực hiện. Theo thống kê của tổ chức Quan sát nhân quyền Syria, có tới 90 trận không kích ở Idlib chỉ trong ngày 29-1. Chính phủ Syria tăng cường không kích Idlib, nơi có đông phần tử vũ trang liên quan đến nhóm Al-Qaeda.

Hòa đàm Sochi mờ nhạt

Giữa lúc chiến dịch “Cành ô liu” đang căng thẳng, tại TP Sochi (Nga) đã diễn ra Hội nghị Đối thoại quốc gia Syria diễn ra trong hai ngày 29 và 30-1 với mục tiêu bàn giải pháp chính trị giải quyết nội chiến Syria. Đây là vòng hòa đàm đầu tiên diễn ra trên đất Nga. Tham gia hội nghị Sochi có các phái đoàn chính phủ Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura cũng có mặt tại hội nghị.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria tháng 12-2016 do ba nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cũng đã thúc đẩy các vòng đối thoại ở Astana (Kazakhstan), diễn ra song song với các vòng hòa đàm do LHQ bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ) để tìm giải pháp chính trị cho nội chiến Syria.

Thế nhưng bạo lực từ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ bóng lên hội nghị hòa bình tại Sochi. Cuối tuần trước, lãnh đạo Ủy ban Đàm phán cấp cao của phe nổi dậy Nasr al-Hariri đã thông báo không đến Nga, chỉ trích hội nghị này làm ảnh hưởng nỗ lực hòa giải của LHQ. Dù từ chối hòa đàm tại Sochi, phe nổi dậy vẫn tham gia vòng hòa đàm do LHQ hỗ trợ ở Vienna (Áo) tuần trước. Ông al-Hariri cho biết phái đoàn phe nổi dậy đã có các cuộc bàn bạc tích cực với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienna, có chủ trương sẽ tiếp tục tham gia các vòng hòa đàm tiếp theo của LHQ.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được di chuyển về khu vực biên giới Syria. Ảnh: AP

Lực lượng người Kurd, đang kiểm soát 25% lãnh thổ Syria, cũng không tham gia hội nghị tại Sochi. Người Kurd cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Các cường quốc như Mỹ, Pháp và Anh cũng không gửi phái đoàn tham dự.

Trong vòng chưa tới một tuần qua đã liên tục diễn ra hai vòng hòa đàm Syria: Một do Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ ở Sochi và một do LHQ bảo trợ ở Vienna. Mục tiêu chính của hai nhánh hòa đàm này là tìm một giải pháp chính trị và một lệnh ngừng bắn quân sự ở Syria, tuy nhiên vẫn không vượt qua được điểm vướng mắc chính là số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trên đài truyền hình Al-Jazeera, nhiều chuyên gia đã nhận định bi quan về ảnh hưởng của các cuộc hòa đàm. Các đại diện của chính phủ lẫn phe nổi dậy Syria liên tục tranh cãi và không thống nhất được các giải pháp đề xuất. Chính trị gia hàng đầu của người Kurd ở Syria Hediye Yusuf, người thiết kế kế hoạch tự trị của người Kurd ở Bắc Syria, cũng cho rằng hội nghị tại Sochi sẽ không có ảnh hưởng tích cực.

311 người bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một tuần qua vì liên quan đến hoạt động “tuyên truyền khủng bố” qua mạng xã hội, chỉ trích chiến dịch “Cành ô liu”, Bộ Nội vụ nước này thông báo ngày 29-1. 

Bài toán chiến dịch “Cành ô liu”

Các diễn biến trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về vai trò của Nga trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Ngày 25-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng khẳng định vai trò của Nga ở chiến trường Afrin phụ thuộc vào ý định thật sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch. Theo bà Zakharova, quan điểm của nước Nga về Afrin cũng đồng nhất với quan điểm về toàn bộ Syria và chính sách của Moscow về Trung Đông.

Theo hãng tin Al-Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đưa lực lượng chống chính phủ Quân đội tự do Syria (FSA) tham gia cùng mình trong chiến dịch nếu không vận động được sự đảm bảo trước của Nga. Chiến dịch “Cành ô liu” đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thống nhất từ trước đó khá lâu, chứ không phải đợi đến khi dàn tướng quân đội và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ qua Nga bàn bạc tuần qua. Cụ thể, kế hoạch chiến dịch này đã được đề xuất từ mùa hè 2017 trong các cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Nga đã đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng một phần không phận Syria mà mình giám sát, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch đánh vào Afrin.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng hiện diện quân sự ở biên giới gần Afrin từ hơn một tháng trước, sau khi đạt được một thỏa thuận với Nga về vùng giảm căng thẳng ở tỉnh Idlib. Nga cũng cho rút lực lượng quan sát khỏi Afrin ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào. Theo Al-Jazeera, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch đánh vào Afrin có lợi cho Nga hơn là đối đầu. Nga với người Kurd chưa bao giờ có sự hợp tác dài hạn, chiến lược. Nga chỉ dùng “con bài người Kurd” một khi cần thỏa hiệp gì đó với các nước Trung Đông, đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng thông tấn Anadolu, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-1 đã không kích tám địa điểm ở Bắc Iraq, phá hủy nhiều nơi ẩn náu và kho vũ khí của phiến quân được cho là đang chuẩn bị tấn công các đồn biên phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa rõ nhóm phiến quân này chính xác thuộc tổ chức nào. Phía chính phủ Iraq chưa bình luận.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ “quét sạch khủng bố khu vực biên giới vươn tới cả lãnh thổ Iraq”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố không hạn chế chiến dịch đánh khủng bố gói gọn trong Afrin và sẵn sàng đánh đến Iraq nếu cần thiết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm