Chiến lược trì hoãn của Trung Quốc ở biển Đông

Đối với Trung Quốc, biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn là yếu tố nhận dạng quốc gia. Chuyên gia Sean Mirski ở ĐH Luật Harvard nhận định như trên trên tạp chí The National Interest (Mỹ).

Theo ông, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược trì hoãn giải quyết tranh chấp, do đó đã tránh né đàm phán về các tuyên bố chủ quyền.

Một chiến thuật trong chiến lược trì hoãn là yêu cầu đàm phán song phương. Bắc Kinh thích mặc cả “một đối một” bởi dễ thể hiện sức mạnh. Ngược lại, một khi đã đàm phán đa phương, Trung Quốc lo ngại các bên tranh chấp có thể đưa ra thỏa thuận o ép.

Cũng bởi lâu nay trì hoãn tiến tới một nghị quyết giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh đã trở thành nạn nhân của chính chiến lược của mình. Các nước khác đã nhận ra nguy hiểm khi chơi theo quy luật của Trung Quốc nên phản đối chiến lược trì hoãn của Bắc Kinh bằng một tư thế chủ động hơn.

Cảnh sát biển Việt Nam bình tĩnh đối phó tàu Trung Quốc tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: REUTERS

Mơ hồ là một khía cạnh trong chiến lược trì hoãn của Bắc Kinh. Lâu nay Trung Quốc luôn lấy sự mơ hồ làm cơ sở chính cho chiến lược pháp lý trên biển Đông.

Sau nhiều thập niên, bản đồ đường chín đoạn bao trùm gần toàn bộ biển Đông vẫn không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Nhiều chuyên gia, trong đó có cả các học giả Trung Quốc đã hối thúc Bắc Kinh làm rõ các tuyên bố pháp lý mơ hồ này.

Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc cố ý đưa ra chính sách pháp lý mơ hồ về quy mô các tuyên bố chủ quyền. Đường chín đoạn là cái cớ tạo ra không gian pháp lý để Bắc Kinh đưa ra các giải thích mở rộng về tuyên bố chủ quyền trong tương lai.

Từ năm 1990 đến 2000, Trung Quốc và các bên tranh chấp ưu tiên sử dụng luật pháp quốc tế và biện pháp ngoại giao. Từ giữa năm 2000, các bên tranh chấp đã nỗ lực phá vỡ chiến lược trì hoãn của Trung Quốc.

Để phản ứng, Trung Quốc nhanh chóng đưa ra chiến lược hai gọng kềm mới.

Theo chuyên gia Peter Dutton thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, hai gọng kềm bao gồm:

- Gọng kềm đầu tiên tập trung vào biện pháp ép buộc phi quân sự bằng cách đưa tàu dân sự ra khu vực tranh chấp. Các tàu này đã được dùng để đuổi tàu cá, bắt ngư dân nước ngoài hay cắt cáp tàu thăm dò dầu khí. Biện pháp này nhằm làm nản chí các nhà đầu tư quốc tế.

- Gọng kềm thứ hai là tiếp tục mở rộng và tăng cường khả năng hải quân phục vụ cho ý đồ răn đe. Khi tàu chính phủ Philippines đối đầu với tàu dân sự Trung Quốc thì gặp tàu chiến Trung Quốc rình rập phía sau.

Với chính sách hai gọng kềm, Bắc Kinh có thể phản ứng để bảo vệ tuyên bố chủ quyền mà không sử dụng tới vũ khí.

Nói tóm lại, Bắc Kinh đang đứng trước hai lựa chọn cực kỳ khó chịu. Một là gia tăng căng thẳng thành xung đột hải quân hoặc phải nhượng bộ. Bắc Kinh đang làm tất cả để không phải đưa ra lựa chọn nhưng sớm hay muộn thì Bắc Kinh cũng phải quyết định.

DUY KHANG

 

Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 8-6 đưa tin quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị triển khai tối thiểu một tàu hậu cần type 903A đến biển Đông. Tàu có trọng lượng giãn nước 23.000 tấn, vận chuyển đến 11.000 tấn hàng, được dùng để tiếp nhiên liệu và thực phẩm và có thể tiếp liệu cho hai tàu cùng lúc. Tàu còn có thể chở hai máy bay trực thăng Z-8 chuyên thả quân nhu từ trên không xuống tàu. Đội tàu hậu cần type 903A của Trung Quốc có năm chiếc.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm