Chỉ sau mùa hè, Ấn Độ mất 300 km2 đất vào tay Trung Quốc?

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho biết sau các cuộc đụng độ biên giới với quân đội Trung Quốc hồi mùa hè, Ấn Độ mất quyền kiểm soát 300 km2 phần đất ở biên giới về tay Trung Quốc.

Binh sĩ Trung Quốc hiện ngăn Ấn Độ tuần tra khu vực trước đây chỉ do Ấn Độ tuần tra. Khu vực này rộng gấp năm lần kích thước quận Mahattan của bang New York (Mỹ).

Một đoàn xe quân sự Ấn Độ chở quân tiếp viện và đồ tiếp tế tới thị trấn Leh (vùng Ladakh) giáp Trung Quốc hồi đầu tháng 9. Ảnh: Yawar Nazir/Getty Images

Vào thời điểm mùa đông khắc nghiệt trên dãy Himalaya dịu đi hồi tháng 5, Ấn Độ ngạc nhiên khi phát hiện quân đội Trung Quốc xây dựng loạt căn cứ, chiếm các đỉnh đồi và điều động hàng ngàn binh sĩ ngăn Ấn Độ tuần tra.

Đó cũng là lúc Ấn Độ nhận ra mình đã mất khoảng 250 km2 phần đất trên cao nguyên Depsang – nơi có nhiều tuyến đường quan trọng dẫn tới đèo Karakoram, cùng với 50 km2 đất ở hồ Pangong Tso, theo các quan chức Ấn Độ.

Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa có bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thông tin trên “không có nguồn rõ ràng và không thể kiểm chứng”. 

Sáu tháng qua chứng kiến tình trạng căng thẳng trầm trọng nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15-6 tại thung lũng Galvan, vùng Lakakh trên dãy Himalaya.

Vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai nước lần đó khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc không cho biết con số thương vong của binh sĩ nước mình. Đây là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai nước trong hàng thập niên.

Binh sĩ hai nước hiện đang chuẩn bị cho sự hiện diện thường xuyên tại khu vực tranh chấp không có người sinh sống trong những tháng mùa đông khắc nghiệt mà nhiệt độ có thể xuống -40 độ C.

“Chúng tôi chưa từng chứng kết đợt triển khai mở rộng vào mùa đông như thế này kể từ cuộc chiến tranh năm 1962. Cả hai nước đang tăng cường quân tới khu vực. Điều đó nói với chúng ta rằng hai bên đang có thái độ cứng rắn và theo cách ấy chúng ta có thể nhìn thấy một giai đoạn căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả không lường trước được” – Trung tướng D. S. Hooda, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Bắc của quân đội Ấn Độ cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm