Chén chè tha hương

Chén chè tha hương ảnh 1

Quán chè chén của anh Đậu Đình Tùng tại một góc chợ người Việt ở Volgagrat. Quán chè không đơn thuần chỉ là nơi để giải khát mà còn là chốn gặp gỡ giữa những người đồng hương - Ảnh: Thế Anh

Tiếng rao có khi trong trẻo vào những ngày đắt khách, cũng có lúc đục khàn vì gió tuyết. Ẩn sau những tiếng rao ấy là những số phận phiêu bạt nơi xứ người mà đôi khi còn chát đắng hơn cả ấm chè trên tay họ...

Tiếng rao thầm giữa miền gió tuyết

Tình cờ tôi gặp lại anh ở chợ Liublino, Matxcơva - khu chợ có nhiều người Việt đổ về kinh doanh sau khi chợ Vòm bị đóng cửa.

Anh vẫn thế, gầy và xanh xao như dạo trước, chỉ mỗi tiếng rao của anh là khác. Nếu như ngày trước người ta vẫn thường nghe tiếng rao “ai chè chén đây” của anh với âm giọng cao đều giữa chợ Vòm đông đúc thì bây giờ tiếng rao ấy dường như đã hụt hơi. Anh qua Nga từ năm 2001, quê ở Nam Định. Mọi người thường gọi anh là Thanh “chè chén”.

Ngoài trời nhiệt độ xuống -20 độ C, đến chiều mà ấm chè của anh vẫn còn hơn nửa. Matxcơva cuối năm tuyết rơi nhiều, Thanh “chè chén” lặng lẽ rời chợ, tay ôm ấm chè còn dư trước ngực như để xua đi cái lạnh giá nơi xứ người...

Nhà có đến năm đứa con mà chỉ có hai sào ruộng, vào Nam mấy bận nhưng cái khó vẫn bám lấy người đàn ông có vóc dáng nhỏ thó ấy. Thấy anh khốn khó, người em họ giúp anh một chuyến đi Tây mong được đổi đời. Ngày mới qua Nga, anh được giới thiệu đến bán hàng thuê cho một chủ Việt với mức lương 200 USD/tháng.

Tiếng Nga bập bẹ, lại quen cầm cày hơn đếm tiền nên anh thường xuyên nhận phải tiền giả. Làm được gần một năm thì anh bị chủ cho nghỉ, cũng may là tiền lương đủ để gửi về cho vợ trả số nợ 30 triệu đồng mà anh vay để bay qua trời Tây. Trả xong nợ, anh chỉ còn đúng 200 USD làm vốn giữa đất khách quê người.

Thuê cửa hàng để buôn bán thì không thể, lần mò mãi anh mới nghĩ ra nghề bán chè chén ít vốn mà có vẻ hợp với một nông dân như anh. Thanh “chè chén” thật thà nhớ lại: “Tôi nghĩ nát óc mới tìm được cái nghề hợp với mình. Đi làm cửu vạn thì không có sức, đi buôn thì không có vốn. Mỗi nghề chè chén này là hợp với mình, chỉ cần cái ấm, ký chè và chịu khó đi bộ là có thể sống được”.

Đến bây giờ Thanh vẫn còn tiếc nuối thời hoàng kim ở chợ Vòm. Anh nhớ lại: “Chợ Vòm đông người Việt, nếu chịu khó đi thì mỗi ngày cũng bán được 200 chén, mỗi chén 5 rup. Trừ đi chi phí mỗi ngày lời khoảng 20-25 USD, mỗi tháng để dành được 3-4 tờ (1 tờ là 100 USD theo cách gọi của người Việt ở Nga)”. Nhưng thời gian thịnh vượng ở chợ Vòm đối với Thanh chỉ kéo dài được sáu năm, đủ để lo cho đứa con út ra thị trấn học cấp III và hai đứa lớn học xong đại học. Với anh, đó là cả một giấc mơ...

Chợ Vòm đóng cửa, Thanh “chè chén” đổ theo dòng người Việt về chợ Liublino tìm đường mưu sinh. Nhưng ở đây vốn là một siêu thị bán lẻ nên việc buôn bán dạo của anh khó khăn hơn ở chợ Vòm. Nếu thuê chỗ thì tiền bán chè không thể bù nổi tiền thuế, thế là Thanh “chè chén” đành chuyển qua bán dạo lén lút. Mà bán lén thì tiếng rao cũng phải rao thầm!

Cái ấm chè thuở nào của anh bây giờ được ngụy trang bởi một cái balô thật đẹp, mắt thì đảo như... lạc rang, thấy có người Việt là anh lại ghé tai thì thầm: “Chè chén không...?”. Tay rót nước mà mắt cứ đảo quanh canh chừng bảo vệ. Từ ngày chuyển về chợ Liublino, anh đã mấy lần bị bỏng do rót nhầm vào tay mình.

Anh tâm sự: “Từ hồi về đây tui đã bị bảo vệ tịch thu mất mấy cái ấm, lại còn bị phạt thêm mấy lần. Chợ ở xa trung tâm nên hằng ngày tôi phải dậy từ 4 giờ sáng, đi mời mỏi cả chân nhưng bán cũng chỉ bằng một nửa thời ở chợ Vòm. Hôm nào bị bảo vệ tịch thu mất ấm xem như mất toi cả mấy ngày bán. Tôi tính làm nốt năm nay kiếm đủ tiền vé rồi về hẳn luôn, chứ ở đây bán chè chén mà rao thầm kiểu này thì khó sống lắm...”. Nói rồi người đàn ông gầy nhỏ ấy lại đút ấm chè vào trong balô, lấm lét cất tiếng rao thầm giữa những người Nga cao lớn...

Chén chè tha hương ảnh 2

Đường đi qua cổng chợ người Việt ở Volgagrat - Ảnh: Thế Anh

Quán chè chén ở Volgagrat

Với một cái bàn nhỏ kê ở góc chợ, quán chè chén của anh Đậu Đình Tùng luôn đông khách bởi sự sơ sài của nó. Sự thô mộc được tô điểm thêm ống thuốc lào làm những người con xa xứ có cảm giác như đang được uống chè chén, hút thuốc lào trong một quán nước chồm hổm giữa lòng Hà Nội.

Giữa trời Tây, giữa miền tuyết trắng, cái mộc mạc đó lại trở thành nét quyến rũ kỳ lạ, nó khiến ông chủ quán chẳng thèm thay đổi dù đã hơn 10 năm qua, vậy mà khách vẫn đông. Mỗi sáng, sau khi hàng hóa đã bày biện đâu vào đấy, cánh đàn ông Việt trong chợ lại tụ tập về đây làm một chén trà, kéo một hơi thuốc lào rồi bàn chuyện giá usd, chuyện quê nhà, chuyện làm ăn... Lâu rồi thành quen, vài ông Tây gần đó cũng đến thử rồi mê luôn chén chè Việt, điếu thuốc lào ở quán anh Tùng.

Gọi là quán nhưng thật ra chỉ là một góc nhỏ của lối đi lại giữa hai gian hàng ở khu chợ người Việt tại thành phố Volgagrat, cách Matxcơva khoảng 1.000km về phía Nam. Quán chẳng có ghế để ngồi, chỉ độc cái bàn đặt mấy phích nước và ấm chè. Khách đến cứ việc tay bưng chén chè, đứng vòng quanh nhâm nhi chuyện trò.

Anh Tùng chủ quán quê ở Nghệ Tĩnh, qua Nga từ năm 1988, tính đến nay đã hơn 20 năm gắn bó với xứ sở bạch dương. Qua Nga, anh cũng giống như số đông người Việt đến thành phố Volgagrat làm công nhân xây dựng. Sau những biến cố của nước Nga, anh ở lại theo nghiệp buôn bán.

Anh kể: “Ngày đầu tôi cũng thuê cửa hàng buôn bán áo quần như số đông bà con ở đây. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga năm 1998, tôi mất gần hết vốn liếng do nhiều khách hàng bỏ trốn. Chẳng còn bao nhiêu, tôi chuyển qua bán chè chén. Lúc đầu đi bán dạo, sau có nhiều khách quen nên tôi thuê một góc chợ đặt cái bàn để bán. Tính làm một thời gian rồi chuyển nghề, ai ngờ cũng làm ăn được nên bám lấy nghề này luôn. So với nghề buôn đồ vải thì không lợi nhuận bằng nhưng được cái ổn định, lại thường xuyên có người Việt đến chuyện trò nên vui lắm”.

So với những người đồng hương bán chè chén ở Matxcơva thì anh Tùng đỡ vất vả hơn nhiều. Là khu chợ riêng của người Việt nên việc bán chè chén của anh được chấp nhận như một nét sinh hoạt văn hóa hiển nhiên của cộng đồng. Anh tâm sự: “Trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng tôi cũng để dành được khoảng 500-600 usd, đủ để lo cho hai đứa con học đại học. Xa quê đã hơn 20 năm rồi, về nhà thì chẳng ruộng vườn, làm ăn chẳng quen mối lái, thôi thì ráng ở đây bán chè chén để nuôi mấy đứa nhỏ ở quê nhà vậy”.

Ngồi nhâm nhi chén chè, đưa mắt nhìn tuyết rơi, anh Hoàng - một vị khách quen ở quán anh Tùng - tâm sự: “Có xa quê, có sống giữa miền tuyết trắng mới thấy quý tiếng rao chè giữa chợ anh ạ. Mỗi sáng, mùi chè thơm phức bốc lên từ quán, tiếng réo của ống thuốc lào, tiếng rao của người bán chè chén như đưa chúng tôi về gần hơn với VN”. Lời anh Hoàng làm tôi nhớ đến tiếng rao thầm của anh Thanh “chè chén” ở chợ Liublino. Giá như tiếng rao đó được phát ra tròn tiếng thì có lẽ người bán và kẻ mua sẽ vui hơn!

Theo THẾ ANH (TTCT )

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm