Cháy rừng Amazon báo động đến mức không thể kiểm soát

Các nhà khoa học và các nhóm hoạt động môi trường đã bày tỏ sự lo ngại khi số lượng các vụ cháy ở rừng nhiệt đới Amazon (Brazil) tăng nguy hiểm đến mức báo động - tăng 28% vào tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo đài truyền hình NBC.

Rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, trong đó 60% diện tích rừng nằm trong lãnh thổ Brazil. Hình ảnh vệ tinh do cơ quan nghiên cứu vũ trụ Brazil INPE công bố vào ngày 1-7 cho thấy đã có 6804 vụ cháy ở rừng Amazon vào tháng 7 năm nay trong khi chỉ có 5318 vụ vào tháng 7-2019.

Đồng thời, theo của tổ chức Greenpeace International, hơn 1000 vụ cháy đã được báo cáo tại rừng Amazon chỉ trong ngày 30-7, ghi nhận số lượng cháy rừng cao nhất tại khu vực này trong một ngày kể từ năm 2005. 

Greenpeace cảnh báo rằng năm 2020 đối với người dân bản địa tại Amazon có thể sẽ còn tàn khốc hơn sức tưởng tượng của thế giới.

Gốc cây cháy do người dân phá rừng ở khu vực bang Rondonia (Brazil). Ảnh: REUTERS

Trong bài phỏng vấn với đài truyền hình NBC vào ngày 2-7, nhà sinh thái học Amazon, đồng thời là cộng tác viên nghiên cứu cao cấp tại Đại học Oxford (Anh) Erika Berenguer đã bày tỏ rằng bà "rất lo ngại và hoảng hốt" vì số liệu các vụ cháy rừng ở khu vực Amazon.

Bà Berenguer nói rằng tháng 7 hằng năm thường là thời điểm bắt đầu "mùa cháy" khi chính phủ cần phải đốt trụi hoàn toàn những khu vực bị phá rừng để giải phóng mặt bằng. "Đây là một dấu hiệu cho thấy phần còn lại của mùa cháy sẽ rất dữ dội" - bà nói thêm.

Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - một người hoài nghi về tính thực hư của biến đổi khí hậu - đã tiến hành nhiều hoạt động phát triển kinh tế ở khu vực Amazon bất chấp các cảnh báo nguy hại cho môi trường.

Dù chính phủ Brazil đã thông báo kế hoạch cấm đốt lửa ở rừng Amazon trong vòng 120 ngày, đồng thời gửi những đội quân chống cháy rừng đến khu vực này từ tháng 5, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những biện pháp này vẫn chưa đủ để khắc phục hậu quả cháy rừng.

Góc nhìn từ trên cao của một khoảng rừng Amazon bị chặt phá ở bang Rondonia (Brazil). Ảnh: REUTERS

Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng cảnh báo hồi đầu tháng 7 rằng nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn ở vùng nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương có thể làm tăng nguy cơ hỏa hoạn ở miền nam Amazon. Bà Berenguer nói rằng điều này có thể tạo ra một "cơn lốc đôi" trong năm nay khi những đám cháy có thể tự duy trì ngay cả trong khu vực rừng hoang sơ.

Đây là viễn cảnh tăm tối cho Brazil khi số lượng nhập viện vì các vấn đề về hô hấp có thể tăng đáng kể, gây thêm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm