Châu Âu ngăn chặn sữa Trung Quốc

Ngày 19-9, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải tăng cường kiểm soát sữa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Trung Quốc không xuất khẩu các sản phẩm sữa sang châu Âu nhưng Ủy ban châu Âu lo ngại sữa Trung Quốc sẽ tuồn vào EU thông qua nước thứ ba. Ủy ban châu Âu cũng đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc thông báo đầy đủ tình hình bởi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Cùng ngày, Singapore thông báo ngưng nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Hệ thống cà phê Starbucks của Mỹ cho biết gần 300 cơ sở của Starbucks tại Trung Quốc có sử dụng sữa của Tập đoàn Mengniu (tập đoàn có sữa nước bị nhiễm melamine) nhưng chưa nhận được than phiền nào của khách hàng hoặc nhân viên.

Tại Trung Quốc, trong đại hội động viên hoạt động đi sâu học tập thực hiện quan niệm phát triển khoa học Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19-9, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phát biểu ý kiến về việc này.

Nhắc đến các tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong năm 2008 như vụ án sữa bột Tam Lộc, tai nạn vỡ đập bùn sắt tại huyện Tương Phần (tỉnh Sơn Tây), ông đã nghiêm khắc phê bình tác phong làm việc cẩu thả, quản lý lơ là, bàng quan trước tính mạng người dân.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng và phải khắc cốt ghi xương bài học đau lòng từ các tai nạn nghiêm trọng nêu trên.

Tính đến ngày 19-9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thu hồi 3.215 tấn sữa bột trên cả nước. Bộ bảo đảm vẫn cung cấp đầy đủ sữa bột cho thị trường.

Từ ngày 15-9, chính quyền các địa phương, các nhà sản xuất và các nhà phân phối lớn đã thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày về giá cả, số lượng hàng trong kho, số lượng hàng bán ra đối với sữa bột.

Bộ Y tế Trung Quốc cũng đã công bố đường dây nóng thứ hai (021-12320) nhằm tư vấn y tế cho cha mẹ muốn tìm hiểu về sữa nhiễm melamine gây sỏi tiết niệu.

HOÀNG DUY - HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã, Euronews)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm