Châu Âu chia rẽ do lượng người nhập cư kỷ lục

Đức cảnh báo kế hoạch của EU cho phép 160.000 nhập cư vào các nước thành viên chỉ như “hạt muối bỏ biển”. Kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nước thành viên phía Tây vì lý do không chấp nhận con số nêu trên.
Cảnh sát Hungary cho biết 3.321 người đã vội vã nhập cảnh vào nước này trong 24 giờ qua trước khi đạo luật chống nhập cư nghiêm khắc có hiệu lực, một hàng rào ngăn chặn người nhập cư mới được dựng lên và thời tiết chuyển xấu.
Đài truyền hình trung ương Serbia đưa tin, 5.000 người nhập cư đã xuất hiện dọc biên giới nước này. Xa hơn về phía Nam, tại biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp, các phóng viên của hãng tin AFP ghi nhận 50 xe buýt chở khoảng 2.500 người cùng 3 xe lửa chở 3.000 người khởi hành từ thị trấn Gevgelija.
Vào thứ Ba (8-9), Cao uỷ Người tị nạn Liên Hiệp Quốc cảnh báo ít nhất 42.000 người nhập cư sẽ đến Hungary trong tuần tới sau khi đã trải qua chuyến đi bão táp vượt Địa Trung Hải. Hầu hết những người nhập cư này chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo ở Syria, Afghanistan và Pakistan với hy vọng đến được Đức.

Còn tại Hungary, lực lượng cảnh sát đang rất nỗ lực để kiểm soát và đăng ký cho những người nhập cư mới khi những người này vượt qua rào chắn để cố lên được các xe lửa và xe buýt đến Áo.

 Một người đàn ông tuyệt vọng ôm vợ con

Dịch vụ xe lửa xuyên biên giới Áo-Hung đã phải đóng cửa từ thứ Ba (8-9) do lượng người nhập cư quá đông. Chính quyền Áo cũng kêu gọi các công ty xe buýt và các tình nguyện viên không đưa người nhập cư đến nhà ga nữa.
Các bộ trưởng nội vụ EU sẽ có cuộc họp vào thứ Hai (14-9) để thảo luận về kế hoạch do Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đưa ra nhằm chia đều 160.000 người nhập cư đến các nước trong khối, giảm tải áp lực cho các nước ở tuyến đầu. Kế hoạch này còn bao gồm khả năng xem xét lại Hiệp định Dublin - hiệp định gây tranh cãi nhất của EU. Theo hiệp định này, người nhập cư phải xin tị nạn tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân đến.
Năm nay Đức đã đón 450.000 người nhập cư và mong muốn 28 quốc gia thành viên EU còn lại nhận thêm người nhập cư. Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel phát biểu “Việc chia đều 160.000 người nhập cư đến các nước EU chỉ là bước khởi đầu, chỉ là “hạt muối bỏ biển” mà thôi”.
Việc chia người nhập cư đến các nước thành viên đang gánh chịu sự phản đối kịch liệt từ các nước EU phía Tây và Uỷ ban Châu Âu có thể phải triệu tập một hội nghị thượng đỉnh để thông qua vấn đề này.
Tổng thống Rumani Klaus Iohannis nói “Tôi cho rằng chúng ta không nên đưa ra số lượng người nhập cư định mức có được từ sự tính toán đầy tính quan liêu mà không hỏi ý các nước thành viên như thế này”.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico có cùng quan điểm với ông Iohannis khi “không muốn ngày kia thức dậy và nhìn thấy 50.000 người lạ mặt đang ở trong quốc gia của mình”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ cố thuyết phục các nước EU phía Tây trong cuộc họp tại Prague vào ngày mai (12-9).
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (10-9) kêu gọi nhận thêm người nhập cư vào nước này. Các nhà làm luật Châu Âu đã kêu gọi triệu tập hội nghị quốc tế về người nhập cư với sự tham gia của Mỹ, Liên Hiệp Quốc và khối Arab.
Theo Cao uỷ Người tị nạn Liên Hiệp Quốc, Washington đã chỉ cho phép 1.500 người Syria nhập cư vào Mỹ sau khi tình trạng bạo lực ở Syria bùng phát năm 2011.
Chính quyền Úc cho hay nước này sẽ nhận thêm 12.000 người nhập cư đến từ Syria và Irag. Một số quốc gia Mỹ Latin cũng đồng ý nhận người nhập cư.
Cùng lúc này tại đảo Lesbos (Hy Lạp), những chuyến tàu chở người nhập cư liên tục cập bến. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đã đi bộ 50-60 km từ bến tàu vào trung tâm để nhận hồ sơ đăng ký.
Mohammed al-Jahabra - 23 tuổi, sinh viên ngành Văn học Anh - nói “Chúng tôi đã đi bộ 4 tiếng. Không xe buýt, taxi hay nước uống. Không có gì cả”.
Đầu tuần này, các quan chức của đảo Lesbos đã làm thủ tục nhập cư cho 15.000 người sau khi họ ở trên đảo nhiều ngày trong tình trạng bẩn thỉu.
AFP đưa tin, các chuyến tàu chở người nhập cư vẫn đang đến với tốc độ đáng kinh ngạc, với 6 chiếc cập bến trong vòng một giờ vào hôm qua (10-9). Bốn chuyến tàu đang trên đường với mỗi chuyến chở 40-60 người.
Trả lời phóng viên trong tình trạng quần dài và giày ướt sũng, Feras Tahan - 34 tuổi, nhà thiết kế đồ hoạ người Syria - cho biết “Chỉ khi đặt được bàn chân lên đất liền, tôi mới không còn cảm thấy mệt mỏi nữa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm