Châu Âu bực tức vì bị qua mặt

Châu Âu bực tức vì bị qua mặt ảnh 1
Hãng viễn thông Verizon bị nghi ngờ giúp Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại của hàng chục triệu thuê bao tại Mỹ - Ảnh: Reuters
Tại Luxembourg, bà cao ủy nội vụ Cecilia Malmström tuyên bố hôm 7-6: “Chúng tôi đang chờ thêm thông tin và sẽ liên lạc với các đồng nghiệp Mỹ”. Theo AFP, vụ việc này sẽ được nêu ra vào tuần sau tại Ireland trong cuộc gặp của bà Malmström cùng cao ủy phụ trách tư pháp - bà Viviane Reding với các bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ - bà Janet Napolitano và bộ trưởng tư pháp - ông Eric Holder.
Châu Âu bị qua mặt?
Vấn đề sẽ rất nhạy cảm bởi theo diễn biến cho đến lúc này thì có vẻ Brussels không hề được phía Mỹ thông báo trước về chuyện công dân châu Âu bị nghe lén. Từ sau vụ khủng bố 11-9, có vẻ phía Mỹ đã đi quá xa khi bí mật tiếp cận thông tin mật về ngân hàng, thông tin liên quan hành khách hàng không và nay là thông tin cá nhân trên mạng của công dân “không phải người Mỹ”, bất chấp luật bảo vệ thông tin của các nước khác. Thật ra từ tháng 1-2013, trong một hội thảo tổ chức tại Brussels, một chuyên gia từng tiết lộ một điều luật về tình báo của Mỹ cho phép các cơ quan an ninh nước này tiếp cận thông tin của phía châu Âu do các công ty Microsoft, Amazon hoặc Google lưu trữ theo hình thức điện toán đám mây. Cảnh báo đó đã không được chú ý. Bà Sophie Veld, nghị sĩ châu Âu, đại diện của Hà Lan, bình luận với báo Le Monde: “Ủy ban châu Âu thường hành động quá chậm chạp và không thích đáng”. Bà cũng rất bực mình khi một số quan chức “tỏ vẻ ngạc nhiên” khi hay tin về vụ nghe lén của Chính phủ Mỹ. “Từ lâu nay chúng ta đều biết rằng người Mỹ thường lấy thông tin dữ liệu của chúng ta và mặc nhiên coi như lề luật của họ có thể áp dụng ở châu Âu”. Tại Anh, cơ quan chuyên trách về nghe lén mạng của chính phủ là GCHQ (Government Communications Headquarters) sẽ phải trình báo cáo lên quốc hội trong vài ngày tới, có thể là vào ngày thứ hai 10-6, về những mối liên hệ có thể có giữa cơ quan này với chương trình Prism của tình báo Mỹ. Theo tiết lộ của báo The Guardian, GCHQ đã tiếp cận hệ thống Prism từ ít nhất vào tháng 6-2010. Ông Malcolm Rifkind, chủ tịch Ủy ban quốc hội về an ninh và tình báo, cho biết “sẽ sớm nhận được báo cáo đầy đủ của GCHQ và sẽ sớm đưa ra các biện pháp thích ứng sau khi có được các thông tin đầy đủ”. Tại Đức, ủy viên phụ trách bảo mật dữ liệu và tự do thông tin, ông Peter Schaar tỏ ra bực tức: “Chính phủ Mỹ phải cung cấp thông tin rõ ràng về chương trình nghe lén của họ. Những phát ngôn của họ về chuyện nghe lén không nhằm vào công dân Mỹ mà chỉ nhắm vào những người ngoài nước Mỹ không làm tôi an tâm chút nào”.
Tổng thống Mỹ biện hộ
Vụ nghe lén “có chủ trương” của Mỹ nhiều khả năng sẽ gây ra những hệ lụy ngoại giao bởi sự bực tức của các công dân “ngoài Mỹ” đổ dồn lên chính phủ của mình. Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7-6 lần đầu lên tiếng thừa nhận sự hiện diện của hệ thống theo dõi cuộc gọi sau hàng loạt chỉ trích. Tuy nhiên, ông Obama đảm bảo là “không ai nghe được điện thoại” khi hệ thống này chỉ lưu lại số điện thoại và độ dài cuộc gọi chứ không ghi âm nội dung cuộc nói chuyện. Mục đích chủ yếu là để tìm ra dấu vết của người dân cầu cứu khi bị khủng bố. Về việc theo dõi mọi hoạt động của người sử dụng trên trang web, tổng thống Mỹ khẳng định chương trình này cũng không nhắm vào công dân Mỹ hoặc những người sống trên nước Mỹ mà là để ngăn cản những đe dọa tấn công khủng bố. Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết hệ thống này chỉ nhắm đến các đối tượng người nước ngoài không sống ở Mỹ. “Nếu như một ai đó trong Chính phủ Mỹ đi quá xa thì người này chắc chắn phải đối mặt với tòa án liên bang” - ông Obama nhấn mạnh việc tuân thủ bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ nhắc nhở cần thảo luận để tìm ra thỏa hiệp giữa “việc bảo vệ an toàn cho người dân” và “quyền riêng tư cá nhân khi sử dụng Internet”. Trong khi đó, Julian Assange, người sáng lập trang WikiLeaks từng gây khốn đốn cho nhiều chính phủ, đặc biệt là Chính phủ Mỹ với những tiết lộ thông tin mật, hôm 7-6 khẳng định “chế độ pháp trị của Mỹ đã sụp đổ”. Ông Assange cáo buộc chính quyền Mỹ cố làm “trắng án” mọi hoạt động gián điệp khi lén lưu lại tất cả cuộc gọi cũng như thông tin trên mạng.

Dữ liệu cá nhân chính là tiền

Không chỉ là chuyện xâm phạm quyền lực của các quốc gia khác, chuyện bí mật tiếp cận các cơ sở dữ liệu ngoài nước Mỹ cũng có thể là tiền đề cho những tranh chấp liên quan tài chính. Báo Le Monde cho biết một nghiên cứu của Mỹ khẳng định dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu tính ra trị giá 315 tỉ USD trong năm 2012.

Trong thời gian qua, Ủy ban châu Âu đã lập nhóm nghiên cứu tạo dựng khu luật để khai thác nguồn dữ liệu cá nhân trên. Dự án này có thể sẽ được trình lên Quốc hội châu Âu vào năm 2014 và đi vào thực thi năm 2016.

Theo HÀ AN - N.QUÂN (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm