Cáp treo thay thế giao thông đô thị

Nairobi là thủ đô Kenya, châu Phi. Tại đây thường xuyên xảy ra tắc đường nhiều giờ liền. Chạy xe đi làm 10 km có thể mất đến hai tiếng. Có người tận dụng lúc ùn ứ trên đường như thế để ngồi trong xe hơi cắt móng tay hay chải chuốt trang điểm.

Không đủ tiền để chui xuống đất

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại hầu khắp tất cả thành phố (TP) đang bùng nổ đô thị hóa ở các nước đang phát triển, khi mà việc xây dựng cơ sở hạ tầng đang phi nước đại, dân cư thành thị tăng vọt nhưng hệ thống giao thông không theo kịp. Hiện nay hơn một nửa dân số thế giới sống tại thành thị và tỉ lệ này không ngừng gia tăng. Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), đà tăng này sẽ diễn ra chủ yếu tại các TP lớn nhỏ của châu Á và châu Phi, những nơi vốn không đủ nguồn lực để đáp ứng kịp thời với những thay đổi nhanh chóng của môi trường sống đô thị.

Cụ thể, các TP đó sẽ không còn quỹ đất để phát triển hệ thống đường sá và đường sắt quy mô lớn. Họ cũng không có đủ tiền để xây dựng các tuyến giao thông đường sắt ngầm dưới lòng đất. Thế thì di chuyển trên mặt đất không ổn, “chui” xuống lòng đất cũng không xong, vậy tại sao không nghĩ đến việc “bay lên không trung”? Cáp treo sẽ không chỉ phục vụ du khách tham quan TP từ trên không mà còn dùng để chuyên chở mọi người dân trong TP.

Rẻ hơn metro gấp 10 lần

Doanh nghiệp Áo Doppelmayr - hãng sản xuất cáp treo lớn nhất thế giới - đang lên kế hoạch “cách mạng hóa” hệ thống giao thông nội thị cho nhiều TP của các nước đang phát triển. Theo giám đốc tiếp thị của hãng là Ekkehard Assmann, ý tưởng xây dựng cáp treo nội thị đã được ứng dụng nhiều trong bảy năm trở lại đây và đây là một “ý tưởng nghiêm túc của nhiều TP lớn”. Sau thành công tại Caracas (Venezuela), Rio de Janeiro (Brazil) và Medellín (Colombia), hầu như tất cả TP lớn của vùng Nam Mỹ đã nghĩ đến giải pháp này. Tại châu Phi, TP Lagos của Nigeria hiện sắp hoàn tất tuyến cáp treo nội thị của mình.

Tại Kampala, thủ đô Uganda, chính quyền đang tiến hành hồ sơ nghiên cứu tính khả thi việc xây dựng hệ thống cáp treo và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản chi 175 triệu USD để tài trợ cho dự án của đất nước châu Phi này. Thủ đô Caracas của Venezuela (Nam Mỹ) đã xây dựng tuyếp cáp treo nội thị đầu tiên vào năm 1952. Và bốn năm sau đó, đến lượt thủ đô Alger của Algeria (châu Phi) nối gót. Hiện nay Algeria được xem như quốc gia đi tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực giao thông đô thị bằng cáp treo: Bốn TP lớn của nước này đã có cáp treo và hệ thống cáp treo tại thủ đô Alger đã có bốn tuyến. Lợi ích kinh tế của giải pháp giao thông này là hiển nhiên: Cáp treo có thể chuyên chở 5.000 khách mỗi giờ trên một hướng đi, ít hơn metro với khả năng chở được hơn 20.000 khách mỗi giờ, xong lại rẻ hơn metro gấp 10 lần.

Nếu được khai thác đúng cách, cáp treo sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn so với đa số hệ thống chuyên chở công cộng khác, vì động cơ kéo cáp luôn hoạt động ở một vận tốc ổn định. Chi phí lắp đặt cũng rẻ hơn nhiều. Giá vé không hề đắt đối với hành khách mọi tầng lớp và do đó thời gian hoàn vốn nhanh. Tại TP Constantine, Algeria, một tuyến cáp đã chuyên chở được 4,5 triệu hành khách trong năm đầu tiên đưa vào khai thác (năm 2008) với giá vé là 15 cent euro/khách/lượt. Với giá vé rẻ như thế, đơn vị khai thác cáp treo cũng vẫn có thể trang trải được toàn bộ chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống đường cáp. Giao thông nội thị bằng cáp treo đang có tương lai phía trước.

Cáp treo thay thế giao thông đô thị ảnh 1

Cáp treo nội thị hẳn sẽ trở thành một phương tiện giao thông lý tưởng và là giải pháp hỗ trợ cho hệ thống đường bộ quá tải và đường sắt nội đô hạn chế.

Hệ thống cáp treo thay thế giao thông tại TP Medellín, Colombia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm