Căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ có động thái mới với Đài Loan

Tờ The Indian Express ngày 12-7 đưa tin ông Gourangalal Das, Vụ trưởng Vụ châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, sẽ là người đại diện tiếp theo của New Delhi tại Đài Loan.

Tờ báo cho biết một tuyên bố chính thức về việc bổ nhiệm này sẽ sớm được đưa ra. Diễn biến này xảy đến vào thời điểm có những lời kêu gọi nâng cấp các mối quan hệ giữa New Delhi và Đài Bắc. Trung Quốc và Mỹ cũng đã tranh cãi gay gắt với nhau về vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Ấn Độ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vì chính sách “một Trung Quốc”. Nước này có một văn phòng tại Đài Bắc để thực hiện các chức năng ngoại giao, hoạt động dưới tên gọi Hiệp hội Ấn Độ-Đài Bắc.

Ông Gourangalal Das. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN ẤN ĐỘ TẠI MỸ

Ông Das sẽ là Tổng giám đốc mới của hiệp hội này, thay thế nhân vật sắp mãn nhiệm là ông Sridharan Madhusudhanan, cũng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Đài Loan cũng đã thay đổi nhân vật đại diện tại New Delhi. Tổng giám đốc các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Cát Bảo Huyên đã được bổ nhiệm làm đại diện Đài Loan tại Ấn Độ, thay ông Điền Trung Quang, người đã giữ vị trí này trong bảy năm tại Trung tâm Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc ở Ấn Độ.

Tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Vụ trưởng Vụ châu Mỹ được coi là một quan chức chủ chốt, cùng với những quan chức phụ trách quan hệ với Trung Quốc và Pakistan.

Việc bổ nhiệm ông Das làm đại diện tại Đài Loan diễn ra vài tuần sau khi đảng BJP cầm quyền yêu cầu hai nghị sĩ Meenakshi Lekhi và Rahul Kaswan tham dự trực tuyến lễ tuyên thệ nhậm chức của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 20-5 - hai tuần sau khi nổ ra tranh cãi với Trung Quốc tại Đường kiểm soát thực tế giữa hai nước.

Hiện chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra phản ứng gì với thông tin của The Indian Express về việc bổ nhiệm ông Das.

Trung Quốc cũng chưa có phản ứng gì với động thái mới của Ấn Độ, nhưng hôm 10-7, Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi Tôn Vệ Đông đã ra tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng ta cần tôn trọng và đáp ứng những lợi ích cốt lõi lẫn nhau và các mối quan tâm chính, tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau”.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, bất kỳ bước đi chủ động nào của một quốc gia bên ngoài liên quan đến Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông, Tây Tạng và Tân Cương đều bị coi là “nhạy cảm”.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, mặc dù vào tháng 12-2010, trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo, Ấn Độ đã không đề cập sự ủng hộ đối với chính sách này trong thông cáo chung.

Vào năm 2014, khi đắc cử Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi đã mời đại diện Đài Loan tại New Delhi Điền Trung Quang và ông Lobsang Sangay – lãnh đạo chính quyền lưu vong Tây Tạng) – dự lễ tuyên thệ nhậm chức.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang sau vụ ẩu đả biên giới vào đêm 15-6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lính Trung Quốc thiệt mạng tại thung lũng Galvan nằm giữa vùng Ladakh do New Delhi quản lý và cao nguyên Aksai Chin do Bắc Kinh kiểm soát.

Sau một số nỗ lực, căng thẳng tạm hạ nhiệt với việc hai bên rút binh sĩ khỏi khu vực tranh chấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm