Căng thẳng với Mỹ, Nga-Trung bàn chiến lược mới

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vừa gửi lời mời người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đến thăm chính thức Bắc Kinh vào hôm 21-3 tới, tức chỉ vài ngày sau cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc (TQ) và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại TP Anchorage, bang Alaska. 
Chuyến đi của ông Lavrov cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đột nhiên leo thang vì các phát ngôn chỉ trích cá nhân qua lại giữa ông Biden và Tổng thống Vladimir Putin thời gian qua. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong chuyến thăm chính thức đến thủ đô Moscow hồi tháng 7-2017. Ảnh: REUTERS

Tam giác Mỹ - Trung - Nga dậy sóng
Về căng thẳng Mỹ - Nga, Đại sứ quán Nga tại Mỹ mới đây ra thông báo cho biết Đại sứ Maria Zakharova đã được triệu hồi về nước để bàn cách thức cải thiện mối quan hệ song phương. Thông báo cũng khẳng định những tuyên bố thiếu cân nhắc của ông Biden đang gây tổn hại nghiêm trọng tới tình hữu nghị hai nước. 
Nguồn cơn vụ việc xảy ra ngày 17-3, khi ông Biden trả lời phỏng vấn của đài ABC News đã công khai gọi ông Putin là “kẻ giết người” (killer) vì cho rằng chủ nhân Điện Kremlin có dính líu tới vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny. Bên cạnh đó, ông Biden cũng nhắc lại báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia về việc ông Putin chỉ đạo can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và cảnh báo ông Putin “sẽ trả giá” cho hành động này.
Phản ứng lại, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov mô tả bình luận của ông Biden là “rất tệ” và “chưa có tiền lệ”, cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không muốn cải thiện quan hệ với Nga. Bản thân ông Putin cũng lên tiếng mời ông Biden tham gia đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình về mâu thuẫn giữa hai nước. 
Cùng thời điểm trên, quan hệ Mỹ - Trung cũng bắt đầu có dấu hiệu tỏa nhiệt, đặc biệt là sau chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tháng qua. Cả hai nước này đều là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á và cùng chia sẻ mối lo ngại về sức ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ. Động thái thể hiện sự quan tâm của chính quyền ông Biden trong nỗ lực củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. 
Một diễn biến đáng chú ý khác trước chuyến đi của hai bộ trưởng cũng cần lưu ý là thượng đỉnh bốn bên của “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ). Tuyên bố sau sự kiện này nêu rõ QUAD muốn các nước trong khu vực phải hành động theo các quy tắc dân chủ chứ không phải “dựa vào sự cưỡng ép”, ám chỉ TQ. 
Trên thế giới, không quốc gia nào có thể đe dọa an ninh Mỹ nghiêm trọng như Nga và TQ. Chúng ta cần thức tỉnh trước thực tế này và hiểu rằng hai nước này sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu. Đối với Bắc Kinh và Moscow, mọi phương tiện đều giống nhau.
Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ DAVID BERGER 
Nga, Trung nhích lại gần nhau trước sức ép của Mỹ
Hiện chưa rõ chi tiết nội dung ông Sergei Lavrov sẽ trao đổi với ông Vương Nghị khi đến Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo ngày 18-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên chỉ cho biết hai quan chức dự kiến trao đổi về các vấn đề cả hai nước cùng quan tâm, cũng như thảo luận các giải pháp củng cố hơn nữa quan hệ Nga - Trung.
“Quan hệ Nga và TQ lâu nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp. Cả hai hiện đang cảm thấy bị thách thức bởi sự hiện diện của Mỹ. Do đó, việc hai nước muốn đề ra hành động chung là cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhau” - ông Triệu nhấn mạnh. 
Trả lời phỏng vấn của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, GS Li Haidong thuộc Học viện Ngoại giao TQ nhận định không giống như thời của cựu tổng thống Donald Trump, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ mở rộng không ngừng hệ thống đồng minh, đối tác trên thế giới. Nếu TQ, Nga không nhanh chóng nhích lại gần nhau sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao ngay trên chính “sân nhà” là châu Âu và châu Á. 
“Mặt khác, giữa ông Vương và ông Lavrov cũng ít nhiều có quan hệ cá nhân ở mức khá tốt khi hai người trong năm ngoái đã có tổng cộng tám cuộc điện đàm. Điều này là bàn đạp tốt để quan hệ song phương có thể phát triển hơn nữa, không chỉ là quan hệ giữa hai nước chia sẻ nhiều mục tiêu chung mà còn là quan hệ của những người bạn thật sự” - ông Li chia sẻ.
Còn theo chuyên gia Yang Jin thuộc Viện Khoa học xã hội TQ, việc Nga và TQ quyết định nâng tầm quan hệ là một bước đi hợp lý và kịp thời trước tình hình chính trị quốc tế có nhiều thay đổi, chủ yếu là đến từ những dịch chuyển trong chính sách đối ngoại của Mỹ và phương Tây. 
“Nga và TQ cần hành động nhanh chóng vì nếu để lâu sẽ rơi vào thế bị động và những thay đổi này sẽ trở thành gánh nặng trong hoạch định chính sách. Kịch bản tốt nhất là bộ trưởng ngoại giao hai nước gặp mặt và sẽ ký được một thỏa thuận hợp tác kinh tế hay chính trị nào đó, có thể liên quan tới việc triển khai sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) hoặc mở rộng quy mô của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)” - ông Yang nói thêm.•
G7 không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine
Ngày 18-3, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mà Mỹ là một thành viên đã ra tuyên bố chính thức khẳng định sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, theo hãng tin AFP. 
“Những nỗ lực của Nga nhằm hợp pháp hóa chủ quyền Crimea sẽ không được công nhận. Chúng tôi kêu gọi Nga tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình, cho phép giám sát quốc tế và trả tự do ngay lập tức cho tất cả người đang bị giam giữ một cách bất công ở đây” - nhóm G7 nhấn mạnh. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tròn bảy năm Nga sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu ý dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm