Căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát nguy hiểm

Ngày 25-11, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác nhận một số tàu biên phòng nước này đã nổ súng và bắt ba tàu chiến của hải quân Ukraine xâm nhập lãnh hải của mình ở biển Đen bất hợp pháp.

Ba tàu Ukraine bị Nga bắt giữ gần Crimea

Theo thông tin từ phía Nga, hai tàu pháo binh bọc thép nhỏ Berdiansk, Nikopol và tàu kéo Yany Kapu của hải quân Ukraine chở theo thủy thủ đoàn đã làm lơ “các yêu cầu phải ngừng lại” và tiếp tục “có các hoạt động nguy hiểm”, buộc các tàu Nga phải nã súng yêu cầu ngừng lại. Ba tàu Ukraine bị bắt giữ và được kéo về cảng Kerch ở Crimea. FSB cho biết Nga đã điều tra hình sự khả năng Ukraine xâm phạm biên giới Nga, vì phía Ukraine biết rõ các quy định giao thông tàu chiến qua các vùng biển của Nga.

Nga nói có ba thủy thủ Ukraine bị thương, đã được phía Nga cấp cứu và tính mạng không bị nguy hiểm. Tuy nhiên, trong cuộc họp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau sự việc, các tư lệnh quân đội Ukraine cho biết có 23 thủy thủ nước này bị phía Nga bắt giữ, trong số này có sáu người bị thương, trong đó có hai người nguy kịch. Sputnik cho biết hiện các thủy thủ đang bị thẩm vấn.

Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển. Nga và Ukraine có một hiệp ước song phương quy định quyền sử dụng biển Azov ngăn hai nước, nối với biển Đen qua eo biển Kerch. Sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, Nga xây một cây cầu khổng lồ trị giá 3,69 tỉ USD nối Crimea với phía Nam Nga, được chính Tổng thống Nga Vladimir Putin khánh thành hồi tháng 5. Từ sau khi Nga sáp nhập Crimea, hai bên liên tục phàn nàn qua lại về chuyện quấy rối lưu thông khu vực này. Trước khi vụ việc ngày 25-11 xảy ra, Nga đã ngăn ba tàu Ukraine đi qua bên dưới cây cầu này.

Hải quân Ukraine nói mình đã thông báo trước với phía Nga về kế hoạch di chuyển từ cảng Odessa ở biển Đen đến cảng Mariupol ở bờ biển phía Bắc biển Azov, nghĩa là sẽ đi qua eo biển Kerch ngăn cách bán đảo Crimea với đất liền Nga. Hải quân Ukraine nói Nga tấn công tàu mình khi các tàu này đã quay lui và hướng về lại cảng Odessa.

Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ chuyện đã nhận thông báo của Ukraine, cáo buộc các tàu Ukraine đã di chuyển một cách nguy hiểm và phớt lờ cảnh báo của mình với chủ ý kích động căng thẳng. Nhiều chính trị gia Nga cho rằng sự việc có thể đã được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tính toán trước nhằm tăng uy tín cho mình trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 31-3-2019.

Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP

Ukraine thiết quân luật, báo động toàn diện quân đội

Tối 25-11, người dân Ukraine kéo tới trước trụ sở Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kiev và trước Lãnh sự quán Nga ở TP Lvov biểu tình phản đối hành động của Nga. Ukraine phải triển khai cảnh sát chống bạo động đối phó.

Ngày 26-11, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine quyết định ban bố thiết quân luật sau khi thống nhất với Tổng thống Poroshenko trong cuộc họp tối trước đó. Đây là một quyết định lớn khi Ukraine thậm chí đã không ban bố thiết quân luật sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea hay trong suốt cuộc nội chiến ở miền Đông nước này với lực lượng ly khai. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov cho rằng chuyện chính phủ Ukraine ban bố thiết quân luật bốn tháng trước bầu cử là có ý đồ.

60 ngày là thời hạn Ukraine ban hành thiết quân luật sau sự việc Nga bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine. 

Tuy nhiên, họp báo ngày 26-11, Tổng thống Poroshenko cho biết lệnh thiết quân luật không có nghĩa tuyên bố chiến tranh mà chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Ukraine sẽ không mở chiến dịch tấn công quân sự mà sẽ chỉ hành động trong phạm vi bảo vệ lãnh thổ, bảo đảm an toàn công dân. Lệnh thiết quân luật cũng sẽ không ảnh hưởng tới các chiến dịch của quân đội Ukraine tại vùng Donbass ở miền Đông, cũng không có nghĩa Ukraine bác bỏ thỏa thuận Minsk. Trong khi đó, theo Washington Post, lệnh thiết quân luật sẽ trao cho chính phủ và quân đội Ukraine quyền lực cần thiết đảm bảo an ninh quốc gia. Tổng thống Poroshenko sẽ được tự do hành động hơn.

Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 26-11 ra thông cáo cho biết các đơn vị quân đội Ukraine đã được đặt vào tình trạng báo động tác chiến toàn diện, đồng thời yêu cầu “các đồng minh và đối tác hỗ trợ quân sự cho Ukraine để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”.

Ukraine tìm ủng hộ từ NATO, EU và đồng minh

Hội đồng Bảo an LHQ ngày 26-11 (giờ New York) sẽ họp khẩn về sự việc theo yêu cầu của cả Ukraine và Nga. Ông Poroshenko cho biết đã yêu cầu NATO và Liên minh châu Âu (EU) “phối hợp hành động nhằm bảo vệ Ukraine”, sẽ bàn các bước đi tiếp theo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nước đồng minh của Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề nghị các đồng minh phương Tây của Ukraine thuyết phục Ukraine không chính trị hóa vụ việc. Phần mình, cả EU và NATO đều kêu gọi hai bên kiềm chế. Trong khi EU hy vọng Nga khôi phục tự do lưu thông qua eo biển Kerch thì NATO cho biết ủng hộ Ukraine trong vụ này.

Cả Reuters và Washington Post đều lo ngại diễn biến này có nguy cơ leo thang dẫn đến xung đột lớn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm