Căng thẳng Jerusalem: Mỹ cảnh báo công dân

Không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định dời đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bất ngờ ra một “cảnh báo toàn cầu” đối với công dân nước này.

Căng thẳng leo thang

Cảnh báo kêu gọi người dân Mỹ trên toàn cầu “duy trì cẩn trọng và có các bước đi thích hợp để tăng cường sự an toàn cho bản thân khi di chuyển”. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người dân cẩn trọng không chỉ với mối đe dọa từ khủng bố, mà cả các bất ổn chính trị, biểu tình có thể dẫn đến bạo lực. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu công dân nước mình tránh xa khu vực thành cổ của Jerusalem và Bờ Tây.

Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và binh sĩ Israel đã nổ ra tại TP Ramallah cùng một loạt địa điểm khác ở Bờ Tây và Dải Gaza, theo Washington Post. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình. Ít nhất 31 người đã bị thương do súng và đạn cao su của quân đội Israel. Tại nhiều khu vực của Palestine, trường học và các cửa hàng đều đóng cửa, đình công phản đối quyết định của ông Trump. Quân đội Israel ngày 8-12 triển khai xe tăng, máy bay sang tấn công hai tiền đồn quân sự của Hamas ở Dải Gaza, theo Sputnik. Hành động này nhằm trả đũa việc hỏa tiễn từ khu vực này bắn sang Israel trước đó.

Đụng độ liên tiếp nổ ra tại Jerusalem giữa người Palestine và an ninh Israel. Ảnh: AFP

Sau tuyên bố là hỗn loạn

Wardah Khalid, chuyên gia về Trung Đông của đài CNN, nhận định tuyên bố của Tổng thống Trump hiện nay thật ra vẫn còn nặng tính nghi thức là chính. Ông sẽ sớm ký một lệnh hoãn di dời đại sứ quán thêm sáu tháng để phù hợp với luật pháp Mỹ. Nhiều quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết quá trình dời đại sứ quán thực chất sẽ mất nhiều năm. Theo bà Khalid, có khả năng Tổng thống Trump muốn xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn, thực hiện đúng lời hứa tranh cử, đồng thời thúc đẩy Israel tăng cường hợp tác với Mỹ đối trọng với Iran tại Trung Đông.

Bà Khalid nhận định tuyên bố của Tổng thống Trump đã công nhận việc Israel sát nhập Đông Jerusalem là hợp pháp, mặc dù cộng đồng quốc tế đã không công nhận điều này trong Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngày 8-12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã cố gắng xoa dịu cộng đồng quốc tế, nói rõ Tổng thống Trump vẫn chưa quyết định ai là bên kiểm soát Đông Israel. Đài CNN nhận định Mỹ đã tự đánh mất tư cách làm một trung gian hòa giải cho tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine, tạo bước ngoặt lớn đối với ổn định và hòa bình khu vực, đồng thời làm mất lòng tin nghiêm trọng với các đồng minh Ả Rập và Hồi giáo.

Sắp thêm nước tiếp bước Mỹ?

Tổng thống CH Czech Milos Zeman cũng đã lên tiếng ủng hộ quyết định của người đồng cấp phía Mỹ, tuyên bố nước này có thể sớm tiếp bước dời đại sứ quán ở Israel đến Jerusalem, tờ Times of Israel ngày 8-12 cho biết.

Ông Zeman cho biết trong chuyến thăm Israel năm 2013 đã bày tỏ ý định chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. “Sớm muộn chúng tôi sẽ tiếp bước Mỹ” - ông Zeman cho biết.

Sau tuyên bố của Tổng thống Trump vào ngày 6-12 (giờ địa phương), CH Czech cũng đã ra tuyên bố nhìn nhận Tây Jerusalem trước 1967 là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, đất nước Trung Âu cho biết chỉ chính thức dời đại sứ quán khỏi Tel Aviv sau khi đối thoại với các đối tác trong khu vực. Trong khi đó, bộ ngoại giao nước này khẳng định vẫn ủng hộ lập trường của Liên minh châu Âu (EU), xem Jerusalem trong tương lai là thủ đô của cả Israel và Palestine.

_______________________________

Hàng ngàn người ở hai đất nước có dân số theo Hồi giáo lớn nhất châu Á là Indonesia và Malaysia đã xuống đường biểu tình, phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm