Các nước ngày càng chuộng vũ khí Mỹ hơn vũ khí Trung Quốc

Tờ South China Morning Post ngày 16-3 dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ tiếp tục dẫn đầu thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chiếm 37% thị phần trong giai đoạn 2016-2020, tăng 15% so với giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, Nga chiếm 20% thị phần, giảm 22% do cạnh tranh mạnh với Mỹ ở hầu hết khu vực. Pháp và Đức lần lượt là các nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba và thứ tư thế giới.
Nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới là Trung Quốc với doanh số chiếm 5,2% xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020, giảm 7,8% so với giai đoạn 2011-2015. Theo chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong, sự sụt giảm này là do chính quyền Trump nỗ lực thúc đẩy các đồng minh trong khu vực mua vũ khí Mỹ thay vì vũ khí Trung Quốc và Nga. Chính quyền ông Trump thực hiện điều này bằng cách đưa ra “giả thuyết mối đe dọa Trung Quốc” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tên lửa đạn đạo đối hạm DF-26 của Trung Quốc trong đợt duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 9-2015. Ảnh: GETTY

“Ông Trump là nhà buôn vũ khí lớn, người cố tình tìm cách khuấy động căng thẳng trong khu vực và thúc đẩy nhiều nước châu Á mua vũ khí do Mỹ chế tạo, từ đó làm gia tăng xuất khẩu vũ khí Mỹ” - ông Song nhận định.
Báo cáo của SIPRI còn cho biết mức nhập khẩu vũ khí của Nhật giai đoạn 2016-2020 tăng 124%. Bộ Quốc phòng Nhật lên kế hoạch chi 240 tỉ USD từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2024 để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và không kích từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Về phía Ấn Độ, lượng vũ khí nhập khẩu của nước này giai đoạn 2016-2020 giảm 33% so với giai đoạn 2011-2015. Dù vậy, SPRI nhận định việc sụt giảm nhiều khả năng chỉ là tạm thời và nhập khẩu sẽ tăng trở lại trong năm năm tới khi trục Pakistan - Trung Quốc gia tăng sức ép trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ biên giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm