Các nước NATO chuẩn bị chiến dịch quân sự

Theo Văn phòng tổng thống Mỹ, các nguyên thủ đã đồng ý sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, với các nước Ả Rập và các đối tác quốc tế khác để thực hiện nghị quyết.

Người phát ngôn chính phủ Pháp tuyên bố chiến dịch quân sự chống lại chính phủ Libya sẽ sớm diễn ra và sẽ có Pháp, Anh, có thể Mỹ và một hay nhiều nước Ả Rập tham gia. Người phát ngôn không nói cụ thể chiến dịch sẽ bắt đầu khi nào, như thế nào, vào những mục tiêu cụ thể gì.

Trong ngày 18-3, NATO đã họp để thảo luận biện pháp thực hiện nghị quyết. NATO nhất trí các hoạt động quân sự nước ngoài can thiệp có thể là lập vùng cấm bay, ngăn chặn giao thông đường bộ, giao thông hàng hải, làm nhiễu viễn thông quân đội và triển khai tình báo.

Canada và Ý đã đề nghị đưa các căn cứ quân sự vào phục vụ chiến dịch. Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết sẽ tham gia chiến dịch. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich cho biết Ba Lan sẽ hỗ trợ hậu cần cho chiến dịch nhưng Ba Lan sẽ không tham gia trực tiếp. Úc cũng hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Trong ngày 18-3, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo Anh đã bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu, máy bay tiếp liệu trên không và máy bay giám sát. Trong vài giờ sắp tới, các máy bay sẽ tập kết tại các căn cứ quân sự để sẵn sàng hành động.

Anh hiện có một căn cứ không quân ở Cyprus (Địa Trung Hải) có thể được sử dụng để khởi động tấn công quân sự và hai tàu khu trục HMS Cumberland và HMS Westminster đang ở Địa Trung Hải.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Carme Chacon cho biết Tây Ban Nha sẽ cung cấp hai căn cứ quân sự cho NATO cũng như vũ khí và lực lượng hải quân để đánh lại Libya.

Theo Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu Olivier Chastel, Bỉ đã sẵn sàng chiến dịch với sáu máy bay chiến đấu F-16 đóng quân ở Hy Lạp và một tàu khu trục nhỏ ở Địa Trung Hải.

Đức phản ứng khá dè dặt. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle tuyên bố Đức cảm thấy nguy hiểm và rủi ro và quân đội Đức sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự tấn công Libya. Đại sứ Đức tại LHQ Peter Wittig lo ngại nghị quyết của LHQ có thể mở rộng xung đột.

Libya có khoảng 100 tên lửa phòng không SA-2 thuộc thế hệ những năm 1950 và khoảng 70 tên lửa SA-6 hiện đại hơn. Lực lượng không quân của Libya có hơn 300 máy bay chiến đấu, chủ yếu là đời MiG-23 và MiG-25 cũ kỹ, trong số đó có thể hơn 50% không hoạt động tốt.

Theo trang web chuyên ngành quân sự Globalsecurity của Mỹ

THIÊN ÂN - KHÁNH UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm