Các nước họp bàn số phận tổng thống Syria

Ngày 17-5, Ngoại trưởng 18 nước thuộc Nhóm Quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) họp ở thủ đô Vienna (Áo) bàn về số phận chính trị Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tiến trình đàm phán hòa bình Syria, theo hãng tin RT (Nga).

Số phận chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện vẫn là mối bất đồng giữa các thành viên ISSG.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nêu quan điểm cứng rắn đã đến lúc phải thực hiện “kế hoạch B” cho Syria, nghĩa là bức ông al-Assad khỏi ghế tổng thống bằng bạo lực.

“Rõ ràng là ông Bashar al-Assad chỉ có hai lựa chọn: Ra đi yên bình thông qua tiến trình chính trị, hoặc bị bức phải ra đi bằng bạo lực. Về phần mình, Saudi Arabia cho rằng lý ra phải thực hiện “kế hoạch B” từ lâu rồi.”

Ngoại trưởng 18 nước nhóm ISSG họp về Syria tại thủ đô Vienna (Áo) ngày 17-5. (Ảnh: AP)

Tiếp tục quan điểm cứng rắn của Saudi Arabia, Đức quyết liệt đề nghị thỏa thuận cuộc họp phải đề ra được các bước đi dẫn tới đưa ông al-Assad ra khỏi ghế tổng thống Syria. “Tổng thống al-Assad bắt buộc phải từ chức vì Syria sẽ không có tương lai lâu dài nếu còn ông al-Assad.”

Về phần mình, Mỹ cũng nhắc lại quan điểm muốn ông al-Assad ra đi. Theo Ngoại trưởng Mỹ, phía Nga đã từng nói rõ ràng rằng ông al-Assad đã cam kết có trách nhiệm với đàm phán hòa bình, thay đổi hiến pháp, bầu cử; nhưng đến giờ ông al-Assad vẫn chưa thực hiện được điều đầu tiên là tham gia thực chất vào các cuộc đàm phán hòa bình chứ đừng nói đến hai điều sau.

Trong khi đó Nga vẫn bảo lưu quan điểm phản đối việc bức ông al-Assad ra đi như một điều kiện để bắt đầu tiến trình hòa bình cho Syria. “Nga không ủng hộ cá nhân đặc biệt nào, Nga chủ ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố và Nga không thấy có sự thay thế nào tốt hơn so với quân đội Syria trong cuộc chiến này”, RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Dù không thống nhất được số phận chính trị của ông al-Assad nhưng tại cuộc họp, nhóm ISSG đã nhất trí được một số vấn đề như tăng nỗ lực để các bên chấm dứt giao tranh, phân tách các bên khỏi các nhóm khủng bố, tăng trao đổi tù binh giữa các bên, mở rộng hỗ trợ nhân đạo.

Dù thế các Ngoại trưởng đã không thống nhất được ngày khôi phục cuộc hòa đàm Syria vốn bị ngưng từ ngày 19-4 sau khi phe đối lập Syria tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán vì phe chính phủ không đáp ứng các yêu cầu về ngưng giao tranh và tăng cứu trợ nhân đạo.

Theo ông Staffan de Mistura - đặc phái viên LHQ về Syria, trung gian hòa đàm, ngày khôi phục hòa đàm có thể sẽ tùy thuộc vào kết quả thực hiện những điều các nước đã thống nhất trong cuộc gặp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm