Các nước chạy đua tìm nguồn vaccine COVID-19

Họp báo chung ngày 1-6, lãnh đạo bốn tổ chức quốc tế là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định các nước có năng lực tài chính để đẩy mạnh tốc độ chủng ngừa COVID-19 sẽ càng dễ thoát dịch nhanh hơn, theo hãng tin AP.

Bộ trưởng y tế các nước G7 họp ngày 3-6, bàn về các biện pháp phòng ngừa COVID-19 cũng như các dịch bệnh trong tương lai. Một trong những nội dung được thảo luận là về khả năng chia sẻ vaccine để hỗ trợ các nước thu nhập thấp, theo hãng tin Reuters

Lãnh đạo bốn tổ chức này đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỉ USD nhằm đảm bảo ít nhất 40% dân số toàn cầu được tiêm ngừa vaccine trước cuối năm nay và tăng tỉ lệ này lên 60% vào giữa năm sau. Kế hoạch dự kiến cũng sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho sáng kiến COVAX của WHO nhằm đảm bảo mục tiêu phân phối công bằng vaccine trên thế giới.

Các ý kiến như vậy tiếp tục phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng bất bình đẳng trong nỗ lực chủng ngừa COVID-19 giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch hiện nay. Mặt khác, có quá nhiều liều vaccine vẫn đang chờ được phân phối do có thể vẫn đang bị “mắc kẹt” về các thủ tục và giấy tờ, đang “nằm kho” hoặc không phải là loại vaccine mà một nước nào đó có thể sử dụng.

Rất nhiều nước gặp khó trong tìm nguồn vaccine

Việc tiếp cận vaccine đối với một loạt quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đang rất khó khăn. Ở châu Á, đài CNBC ngày 2-6 cho biết Đài Loan hiện chỉ mới tiêm được khoảng 700.000 người, tức được 3% dân số. Hòn đảo này đã đặt mua 20 triệu liều của các hãng AstraZeneca (Anh) và Moderna (Mỹ). Đài Loan dự kiến sẽ được bàn giao thêm hơn 1 triệu liều của AstraZeneca thông qua COVAX. Đài Loan cũng đã điều phái đoàn ngoại giao đến Đức đàm phán với hãng BioNTech, sau khi thỏa thuận mua 5 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech bị đổ bể vào phút chót mà không có lý do chính thức. Phía Đài Bắc cho rằng bị Trung Quốc can thiệp nên không mua được, còn Bắc Kinh thì nói Đài Loan không chịu nhận vaccine sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc - vốn nhận hợp đồng sản xuất cho BioNTech.

Tại Malaysia, ngày 1-6, hãng dược Duopharma Biotech thông báo đã ký thỏa thuận với chính quyền và một công ty con của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) để cung cấp 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V cho nước này, theo kênh Channel News Asia. Cuối tháng 5, Malaysia cũng đã được COVAX bàn giao lô vaccine thứ hai gồm 559.000 liều của AstraZeneca, theo sau lô thứ nhất gồm 268.000 liều vào tháng 4. Theo kế hoạch phân phối, COVAX sẽ cung cấp cho Malaysia tổng cộng hơn 1,3 triệu liều.

Một nhân viên y tế Mỹ chuẩn bị vaccine để tiêm cho người dân tại Viện dưỡng lão Triboro ở TP New York hồi tháng 3. Ảnh: BLOOMBERG

Tại các khu vực giàu có như phương Tây, cuộc đua cũng diễn ra hết sức khốc liệt. Tờ The Telegraph hồi đầu tháng tiết lộ Anh được cho là đã bí mật cho phép AstraZeneca sử dụng chuỗi sản xuất của quốc gia này để sản xuất vaccine cho Úc. Đổi lại, Anh sẽ được quyền tiếp cận 10 triệu liều vaccine của AstraZeneca sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - một trong những cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới hiện nay.

Nguồn tin của The Telegraph còn cho biết ít nhất hai lô vaccine của AstraZeneca (tổng cộng khoảng 717.000 liều) đã được vận chuyển đến Úc vào tháng 2 và tháng 3, thời điểm Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thắt chặt xuất khẩu vaccine và đề nghị Anh chia sẻ vaccine để bù đắp cho sự thiếu hụt từ AstraZeneca.

Lượng vaccine nêu trên không làm thay đổi tổng số liều mà Anh dự kiến nhận được từ AstraZeneca, nghĩa là họ vẫn sẽ được cung cấp 100 triệu liều như thỏa thuận hồi năm ngoái mà vẫn có thể giúp Úc có được nguồn cung sớm. Hiện chưa rõ Úc có phải là quốc gia duy nhất hưởng lợi từ một thỏa thuận như vậy hay không. Giới chức chính phủ hai nước từ chối bình luận với lý do đây là “vấn đề cực kỳ nhạy cảm”.

Nhiều nước hưởng lợi từ việc đặt mua sớm

Hiện nay, trong khi nhiều nước phải gấp rút tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của mình thì nhiều quốc gia, như Mỹ, lại đang gần như “bơi” trong vaccine khi dư một lượng rất lớn không được sử dụng. Điểm chung là các nước này năm ngoái đã đặt trước hàng chục triệu liều khi chưa có loại vaccine COVID-19 nào được chứng minh hiệu quả thông qua cái gọi là Thỏa thuận mua vaccine trước (APA). Đây là những hợp đồng để chính quyền các nước có thể đặt trước một lượng đáng kể ngay từ trước khi vaccine được phê duyệt vào sử dụng chính thức.

Đài CNN cho biết điều khoản cụ thể của APA tương đối đa dạng, tùy thuộc vào đàm phán giữa các bên. Trong nhiều trường hợp, bên mua chỉ chịu trả tiền nếu vaccine được thử nghiệm thành công và chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bên mua sẵn sàng đầu tư trước vào vaccine để đảm bảo có nguồn cung càng sớm càng tốt. Cách làm như vậy dẫn tới một số rủi ro nhất định, như nếu vaccine không được phê duyệt thì cả bên mua và hãng sản xuất đều chịu thiệt hại.

Mỹ là một trong những bên hành động vô cùng quyết liệt nhằm nhanh chóng đạt được các hợp đồng APA về mua vaccine trước. Tính đến cuối tháng 8-2020, Mỹ chi gần 10 tỉ USD để đảm bảo ít nhất 700 triệu liều từ hàng loạt hãng như AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Novavax và Sanofi.

Một số quốc gia phát triển khác theo sau Mỹ, như Nhật, khi đó cũng đã ký các hợp đồng mua trước và đặt trước thành công 120 triệu liều vaccine của Pfizer hồi năm ngoái. Quỹ RDIF của Nga cũng từng tuyên bố được 20 quốc gia đặt trước 1 tỉ liều vaccine Sputnik V.•


Hãng dược Úc thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng miếng dán

Trang tin Brisbane Times ngày 3-6 cho biết hãng dược Vaxxas (Úc) phối hợp với ĐH Texas (Mỹ) mới đây đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa COVID-19 mới dạng miếng dán không cần tiêm với tên gọi Hexapro.

TS David Muller, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các thử nghiệm lên cá thể chuột đã cho kết quả hết sức khả quan, thậm chí còn tốt hơn so với kết quả sử dụng vaccine dạng tiêm.

Cụ thể, kết quả thử nghiệm cho thấy đã xuất hiện phản ứng trung hòa kháng thể đối với COVID-19 chỉ với một liều duy nhất.

Lý giải, ông Muller cho biết có hàng ngàn “vi tiêm” (microprojections), hay còn gọi là kim nhỏ, được thiết kế trên bề mặt của miếng dán Hexapro. Khi dán lên da thì các kim nhỏ này sẽ tác động cùng lúc nhiều điểm khiến cơ thể tăng tốc sản xuất tế bào miễn dịch, qua đó giúp cơ thể tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Hiện Vaxxas và ĐH Texas tiếp tục lên kế hoạch để thử nghiệm nhằm tiến tới hoàn thiện sản phẩm, đạt độ an toàn để tung ra thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm