Các nước châu Á nhộn nhịp tập trận

Báo Phil Star (Philippines) ngày 18-8 đưa tin hôm trước đó, tàu chiến BRP Ramon Alcaraz của hải quân Philippines đã nhổ neo rời vịnh Subic để sang miền Bắc Úc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Kakadu 2014. Cuộc tập trận này kéo dài 19 ngày (từ ngày 25-8 đến ngày 12-9).

Tàu chiến BRP Ramon Alcaraz chở theo 180 binh sĩ, đội y tế và các sĩ quan chỉ huy cùng một máy bay trực thăng đa năng AgustaWestland AW109.

Người phát ngôn hải quân Philippines cho biết Philippines tham gia cuộc tập trận Kakadu 2014 nhằm nâng cao năng lực tác chiến trên biển và năng lực phối hợp với các lực lượng hải quân trong khu vực. Đây cũng là cơ hội để hải quân các nước nâng cao quan hệ hợp tác thân thiện với nhau.

Tập trận hải quân quốc tế Kakadu được hải quân Hoàng gia Úc tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1993.

Đây là lần thứ hai Philippines đưa tàu hải quân tham dự cuộc tập trận Kakadu. Lần đầu tiên nước này đưa tàu hải quân đến Úc tham dự vào năm 1999. Trong lần kế tiếp, Philippines chỉ cử quan sát viên.

Ngày 17-8, hải quân Philippines làm lễ xuất hành trước khi tàu chiến BRP Ramon Alcaraz lên đường tập trận ở Úc. Ảnh: HẢI QUÂN PHILIPPINES

Năm nay có 12 nước tham gia tập trận, trong đó Nhật, New Zealand, Pakistan, Philippines và Úc đưa tàu và máy bay tham dự. Bảy nước còn lại gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Campuchia, Thái Lan và đảo quốc Vanuatu chỉ cử quan sát viên.

Cùng ngày, hãng tin Itar-Tass (Nga) đưa tin người phát ngôn quân khu miền Đông Nga thông báo khoảng 1.000 binh sĩ Nga đã đến căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa thuộc khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) để tham dự cuộc tập trận quốc tế chống khủng bố hằng năm mang tên Sứ mệnh hòa bình 2014.

Người phát ngôn cho biết ngoài binh sĩ, Nga còn gửi theo 100 vũ khí và thiết bị quân sự, trong đó có tám máy bay trực thăng Mi-8 và bốn máy bay tiêm kích Su-25.

Cuộc tập trận này kéo dài năm ngày (từ ngày 24 đến 29-8) với năm nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tham gia gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan và Kyzgyzstan. Uzbekistan là nước thành viên duy nhất của tổ chức này không dự tập trận.

Đây là cuộc tập trận chống khủng bố lần thứ năm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Hơn 7.000 binh sĩ tham gia tập trận, trong đó có 2.200 binh sĩ nước ngoài thuộc các đơn vị bộ binh, không quân, binh chủng nhảy dù và lực lượng đặc nhiệm.

Trang tin quân sự China Military Online (Trung Quốc) đưa tin tổng tham mưu trưởng năm nước tham dự sẽ trực tiếp thị sát và hướng dẫn tập trận.

Các vũ khí chủ lực của cuộc tập trận lần này gồm máy bay tiêm kích Su-25, máy bay tiêm kích Su-27 và xe tăng T-72. Tập trận có ba giai đoạn gồm triển khai binh sĩ, lên kế hoạch tác chiến và chiến đấu dựa trên kịch bản giả định.

Căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa được xem là căn cứ huấn luyện lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc hiện thời.

LÊ LINH

Ngày 18-8, Hàn Quốc và Mỹ khai mạc cuộc tập trận chung hằng năm mang tên Người bảo vệ tự do Ulchi. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết cuộc tập trận kéo dài 12 ngày và chủ yếu diễn ra trên máy tính. 50.000 binh sĩ Hàn Quốc và 30.000 binh sĩ Mỹ tham dự.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo cuộc tập trận năm nay sẽ thử nghiệm chiến lược mới nhằm ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của CHDCND Triều Tiên. Chiến lược mới gồm các phản ứng ngoại giao và quân sự tùy thuộc mức độ nguy hiểm của các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Cùng ngày, báo Rodong Shinmun (CHDCND Triều Tiên) đăng bài viết gọi cuộc tập trận Hàn-Mỹ là tuyên bố chiến tranh. Bài viết cảnh báo Seoul và Washington phải chịu trách nhiệm cho những tình huống khôn lường trên bán đảo Triều Tiên.

_________________________________________

Hải quân Philippines tham dự các cuộc tập trận đa phương nhằm khẳng định cam kết của hải quân Philippines về phối hợp với các lực lượng hải quân khác để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở vùng biển trong khu vực.

Người phát ngôn hải quân Philippines

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm