Các nhà làm luật Mỹ vạch 'đường chỉ đỏ' cho đàm phán Iran

Vài nhà lập pháp có ảnh hưởng nói rằng họ không muốn bất kỳ lệnh trừng phạt nào được dỡ bỏ đối với Iran trước khi chính quyền Tehran chấp nhận thỏa thuận. Đồng thời, các nhà lập pháp yêu cầu thực hiện một cơ chế giám sát nghiêm khắc, cho phép các nhà điều tra có thể tiếp cận các cơ sở của Iran bất cứ lúc nào và bất cứ đâu.
Các nhà làm luật còn muốn Tehran tiết lộ quy mô quân trước đây của chương trình hạt nhân, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng John Kerry dường như đã làm dịu lập trường của Mỹ vào tuần trước, không hối thúc Iran về vấn đề này .
“Tôi ngày càng quan tâm hơn đến chiều hướng của những cuộc đàm phán này và khả năng “đường chỉ đỏ” có thể bị vượt qua,” Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói.

Corker là tác giả của một dự luật cho phép Quốc hội có quyền tán thành hoặc không chấp thuận bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào trong các cuộc đàm phán giữa 6 cường quốc và Iran.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker trước cuộc họp về thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 14-4-2015.

Với những quan ngại này, nguồn tin chính thức cho biết vào ngày 25-6, Ngoại trưởng Kerry đã gọi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran để thông báo Tehran buộc phải trả lời những câu hỏi về việc liệu những nghiên cứu nguyên tử trước đây của nước này có nhằm mục đích quân sự hay không, nếu nước này muốn đạt tới một thỏa thuận với Mỹ. Ngoại trưởng Kerry đã tới Vienna vào ngày 26-6 để đàm phán lượt cuối cùng.
Sắp hết "thời hạn chót"
Những cuộc đàm phán nói trên dự kiến sẽ kéo dài qua thời hạn cuối là ngày 30-6. Tính tới thời điểm đó, các cuộc đàm phán đã kéo dài gần 2 năm nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại là dỡ bỏ lệnh trừng phạt với nước này.
Dù bị kéo dài hơn lịch trình, nhưng một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 25-6 cho rằng các đàm phán viên có thể sẽ đi đến một thỏa thuận tốt đẹp.
Tổng thống Barack Obama đã ký dự luật của Corker vào tháng trước, sau khi Nhà Trắng thất bại trong việc thuyết phục những thành viên Dân chủ không tham gia cùng đảng Cộng hòa yêu cầu Quốc hội Mỹ phải có quyền quyết định trong các cuộc đàm phán với Iran.
Khi thời gian đàm phán gần hết, những nhà lập pháp đang phải chịu áp lực không thể ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mà theo họ là Mỹ đã nhượng cho Iran quá nhiều lợi thế.
AIPAC, nhóm lợi ích thân Israel và có ảnh hưởng tới chính trường Mỹ, quan ngại về một hiệp ước có khả năng làm rạn nứt những nguyên tắc cơ bản của người Mỹ.
J Street, nhóm lợi ích thân Israel nhưng có thái độ ôn hòa hơn, đã khởi động chiến dịch phản bác các lập luận của bên đối thủ (Iran). Các nhóm khác đã chi hàng triệu USD vào việc tuyên truyền, kêu gọi các nhà lập pháp cần có giới hạn cứng rắn hơn với chính quyền Iran.
“Có sự hoài nghi lớn về thỏa thuận này… Và vài người Dân chủ trong các cộng đồng thân Israel lớn sẽ phải trải qua một thời gian khó khăn,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói.

Một số cố vấn an ninh nổi tiếng của Mỹ, bao gồm 5 người làm việc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, đã cảnh báo trong một bức thư công khai rằng thỏa thuận có nguy cơ không cung cấp được sự phòng vệ thích hợp.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif ngày 19-3-2015. (Ảnh: AFP)

“Chúng ta sắp mắc kẹt vào một thỏa thuận tồi tệ, với một chế độ tồi tệ,” John Boehner, Phát ngôn viên Cộng hòa của Hạ viện, nói trong một cuộc họp báo vào ngày 25-6.
Ngay cả nếu có 60 phiếu trong Thượng viện và số lớn trong Hạ viện không chấp thuận, họ vẫn chắc chắn phải đối mặt với quyền phủ quyết của Tổng thống Obama.
Để có 2/3 số phiếu trong cả 2 viện để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống, những người chống lại thỏa thuận với Iran sẽ cần ít nhất 13 người Dân chủ trong Thượng viện và 43 người trong Hạ viện chống lại Obama.
Các nhà lập pháp của cả 2 bên nhận định rằng điều này có vẻ bất khả thi, nhưng các nhược điểm đáng kể trong hiệp ước cuối cùng (đối với Iran) có thể khiến việc chống lại Obama sẽ thành hiện thực.
Thỏa thuận khó khăn
Chính quyền Obama có thời hạn đến 9-7 để chuyển thỏa thuận hạt nhân cuối cùng cho Quốc hội. Sau đó, Thượng viện và Hạ viện có ít nhất 30 ngày để xem xét phê chuẩn hoặc bỏ phiếu không tán thành, hay không cần bỏ phiếu.
Biện pháp này ngăn trở Obama bãi bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào ở Iran được Quốc hội phê chuẩn trong thời kỳ xem xét, và 22 ngày sau nếu Quốc hội không tán thành và Obama phủ quyết.
Nếu nghị quyết không tán thành vượt qua quyền phủ quyết, Obama sẽ bị cấm bãi bỏ lệnh trừng phạt của Quốc hội. Vì số này chiếm đa phần trong các lệnh trừng phạt của Mỹ, nó có thể làm tê liệt bất cứ thỏa thuận nào đạt được.
Thời gian xem xét có thể kéo dài tới 60 ngày nếu Quốc hội nhận được thỏa thuận vào khoảng 10-7 đến 7-9. Nếu không có thỏa thuận nào sau ngày 7-9, các nhà lập pháp sẽ thông qua lệnh trừng phạt bổ sung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm