Các cuộc điện đàm con thoi giữa ông Blinken với ông Lavrov, ông Vương về Taliban

Ngày 16-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có hai cuộc điện đàm quan trọng – một với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - về tình hình Afghanistan sau chiến thắng của Taliban.

Mỹ, Nga tiếp tục tham vấn thúc đẩy đối thoại nội bộ Afghanistan

Hãng tin TASS dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga về cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Lavrov và nói rõ cuộc gọi do phía Mỹ khởi xướng.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết “các bên bàn về tình hình ở Afghanistan sau khi nguyên thủ quốc gia chạy khỏi đất nước và theo đó là sự sụp đổ các cơ quan quyền lực, và giữa sự thay đổi chế độ thật sự”.

Ông Lavrov “đã thông báo đến người đồng cấp Mỹ về quan điểm của Nga về tình hình và về việc đại sứ quán Nga liên hệ với các đại diện từ tất cả các lực lượng chính trị chủ chốt ở Afghanistan nhằm bảo đảm sự ổn định, luật pháp và trật tự”.

Phần mình, ông Blinken đã trao đổi với ông Lavrov “về các hành động của chính phủ Mỹ trong bối cảnh sơ tán nhân viên đại sứ quán Mỹ và giải pháp cho các nhiệm vụ nhân đạo khẩn cấp xuất phát từ tình hình hiện tại”, theo thông báo Bộ Ngoại giao Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: FRANCE24

Hai ông đồng ý sẽ tiếp tục tham vấn tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy đối thoại ở Afghanistan sau khi nước này thay đổi lực lượng nắm quyền lực.

“Hai nhà ngoại giao hàng đầu đồng ý sẽ tiếp tục tham vấn các đại diện từ Trung Quốc, Pakistan, và các nước liên quan khác cũng như Liên Hợp Quốc, nhằm giúp tạo điều kiện thiết lập một cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan toàn diện trong môi trường mới” – theo Bộ Ngoại giao Nga.

Ông Vương chỉ trích Mỹ “rút quân vội vàng”

Nội dung chính trong cuộc điện đàm ngày 16-8 giữa Ngoại trưởng Blinken với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cũng liên quan đến tình hình Afghanistan sau chiến thắng của lực lượng Taliban, theo hãng tin Reuters.

Bộ Ngoại giao Mỹ ra một thông báo ngắn với nội dung ông Blinken có cuộc trao đổi với ông Vương về “tình hình an ninh và các nỗ lực đáng ghi nhận của chúng ta để mang lại sự an toàn cho các công dân Mỹ và công dân Trung Quốc”.

Trong khi đó truyền thông Trung Quốc cho biết khi trao đổi với ông Blinken, ông Vương cho rằng việc Mỹ vội vàng rút quân khỏi Afghanistan đã gây ra “tác động tiêu cực nghiêm trọng”.

Ông Vương nói với ông Blinken rằng các thực tế ở Afghanistan đã chứng minh một điều rằng không thể tùy tiện áp dụng mô hình nước ngoài lên một quốc gia có điều kiện văn hóa và lịch sử khác nhau.

“Sử dụng vũ lực và các phương tiện quân sự nhằm giải quyết vấn đề sẽ chỉ làm tình hình xấu thêm. Bài học này đáng được nhìn nhận nghiêm túc” – đài CCTV dẫn lời ông Vương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Vương nói Trung Quốc sẵn sàng kết nối với Mỹ để giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến mới hay thảm họa nhân đạo, sau “tác động tiêu cực nghiêm trọng” từ việc “rút quân vội vàng” của Mỹ.

Tuy nhiên ông Vương cũng cảnh báo rằng “Mỹ không thể một mặt tích cực tìm cách kiềm hãm, kiềm chế Trung Quốc và làm hại quyền và quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc, một mặt khác lại hy vọng có sự hợp tác của Trung Quốc”.

Ông Vương cũng chỉ trích việc Mỹ đưa Phong trào Hồi giáo Đông Tuskestan (ETIM) ra khỏi danh sách khủng bố, và cho rằng Mỹ có tiêu chuẩn kéo về việc chống khủng bố. Trung Quốc lâu nay vẫn lo ngại ETIM  - vốn hoạt động tích cực ở Afghanistan giáp Trung Quốc và muốn Tân Cương tách ra khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó Mỹ cho rằng ETIM đã không còn tồn tại như một tổ chức chính thức mà thay vào đó chỉ còn là một cái tên mà Trung Quốc sử dụng để kiềm chế nhiều nhóm dân tộc Hồi giáo, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định rút quân

Ngày 16-8 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bảo vệ quyết định rút quân của Mỹ. Ông Biden nói rõ, Mỹ xác định lợi ích quốc gia của mình ở Afghanistan là ngăn chặn nước Mỹ bị tấn công khủng bố, và Mỹ đã đạt được điều này.

Ông Biden thừa nhận rằng chính quyền Afghanistan sụp đổ nhanh hơn dự đoán của Mỹ. Nguồn tin của đài CNN cho biết ông Biden đã yêu cầu nhóm cố vấn an ninh quốc gia tìm hiểu tại sao ngành tình báo Mỹ lại không lường trước kịch bản này. 

Theo ông Biden, sở dĩ Taliban có thể giành được quyền kiểm soát Afghanistan là vì các lãnh đạo chính trị nước này không tận tâm với đất nước, đã bỏ chạy khi sự việc xảy ra, và cũng vì lực lượng quân đội Afghanistan không quyết liệt chiến đấu với Taliban.

Ông Biden cũng cho biết ông đã có “những cuộc trao đổi thẳng thắn” với Tổng thống Afghanistan - ông Ashraf Ghani (đã rời đất nước hôm 15-8) và ông Abdullah Abdullah, người đứng đầu phái đoàn Afghanistan tham gia đàm phán hòa bình.

Các nội dung phía Mỹ muốn chuyển tải đến quan chức chính phủ Afghanistan là nên chuẩn bị thế nào để chiến đấu với Taliban một khi không còn lính Mỹ, làm sạch tham nhũng trong bộ máy chính quyền để tạo niềm tin cho dân, đoàn kết chính trị. Tuy nhiên chính phủ Afghanistan đã không làm được những điều đó.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm