Các cánh cửa đồng loạt đóng trước Huawei

Chuyện Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt là dấu ấn rõ nhất cho một năm cực kỳ gian nan với Huawei - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc (TQ) chuyên sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị cho các mạng lưới viễn thông. Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng lại khi các khó khăn mới tiếp tục xuất hiện.

Mỹ và đồng minh cùng tẩy chay

Huawei bắt đầu năm 2018 với một nốt trầm khi hợp đồng bán điện thoại thông minh cho công ty viễn thông Mỹ AT&T không thành hồi tháng 1. Huawei sau đó tiếp tục gặp cản trở lớn tại Mỹ do lo ngại chính phủ TQ dùng công nghệ của Huawei do thám Mỹ.

Tháng 2, các cơ quan tình báo Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ không sử dụng điện thoại của Huawei. Nhiều quan chức tình báo hàng đầu Mỹ ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng Huawei và ZTE Corp - một tập đoàn công nghệ khác của TQ là mối đe dọa với an ninh khách hàng Mỹ. Tháng 3, Best Buy - một trong những nơi ít ỏi người Mỹ tìm mua thiết bị của Huawei tuyên bố sẽ ngưng bán sản phẩm Huawei.

Quay lại năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ từng công bố báo cáo rằng Huawei “không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý với Mỹ hay các tiêu chuẩn quốc tế về thái độ kinh doanh”. Ủy ban kêu gọi cộng đồng tình báo Mỹ cảnh giác, rằng các quan chức an ninh quốc gia phải ngăn chặn các sản phẩm của Huawei và ZTE tràn vào Mỹ.

Theo chuyên gia James Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ nghi ngờ Huawei là công cụ của quân đội TQ nhằm do thám Mỹ. Ông Nhậm Chính Phi, cha bà Mạnh, năm 1974 từng tham gia làm kỹ sư cấp cao trong quân đội TQ trước khi sáng lập Huawei năm 1987. Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện cho rằng Đảng Cộng sản TQ duy trì một ủy ban trong nội bộ Huawei. Phần mình Huawei luôn nói chính phủ TQ không có vai trò gì trong việc ra quyết định kinh doanh hay nhân sự của tập đoàn.

Hoạt động của Huawei càng bị soi xét kỹ sau vụ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt ngày 1-12 theo yêu cầu của Mỹ. Ảnh: ECONOMIST

Tháng 11, Wall Street Journal từng đưa tin Mỹ đề nghị các đồng minh - đặc biệt các nước có căn cứ quân sự Mỹ như Đức, Ý, Nhật - ngừng sử dụng thiết bị viễn thông Huawei vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Đến tháng 12 có tin các công ty viễn thông Đức, Nhật đang cân nhắc chuyện dùng thiết bị Huawei. Chính phủ Anh cũng cho rằng “thiếu sót trong quy trình thiết kế của Huawei đe dọa đến mạng lưới viễn thông Anh”. Sau khi bà Mạnh bị bắt, tập đoàn viễn thông BT của Anh nói sẽ thôi mua thiết bị của Huawei. Công ty viễn thông lớn Orange của Pháp cũng có bước đi tương tự.

Tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong công nghệ 5G của Huawei gặp cản trở lớn khi Mỹ phát cảnh báo về việc sử dụng công nghệ 5G của Huawei. Theo nhà kinh tế Jeff Ferry tại Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng vốn có chủ trương cứng rắn với TQ và thân với chính phủ Trump, thiết bị 5G của Huawei là kết quả của việc tập đoàn này bắt chước công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ từ các công ty phương Tây, điều Huawei luôn bác bỏ. Tháng 8, Úc phong tỏa Huawei cung cấp thiết bị 5G cho mạng lưới viễn thông không dây của mình. New Zealand cũng đã chỉ đạo công ty viễn thông hàng đầu nước mình không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng lưới 5G.

Huawei qua mặt Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung. 

Gian nan cũ chưa qua, khó khăn mới lại tới

Theo Wall Street Journal, Huawei những ngày này còn chịu thêm một cản trở mới: Bị hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. Hai ngân hàng từng giúp Huawei lớn mạnh thành một tập đoàn công nghệ toàn cầu - HSBC Holdings Plc (Anh) và Standard Chartered Plc (Anh) đã quyết định sẽ không cung cấp các dịch vụ ngân hàng mới hay cho Huawei vay tiền vì đánh giá rủi ro của tập đoàn này rất cao. Trong số các cáo buộc Mỹ đưa ra với bà Mạnh để nhờ Canada bắt, ngoài chuyện vi phạm trừng phạt Mỹ với Iran còn có cáo buộc bà này lừa đảo các ngân hàng.

Theo Bloomberg, có thể nhiều người sẽ nghĩ đây không phải là chuyện lớn với một tập đoàn thuộc hàng quy mô nhất TQ. Huawei có rất nhiều tiền - riêng dòng tiền mặt lưu thông năm ngoái đã là 2,5 tỉ USD và không ít tổ chức tài chính muốn đưa tiền cho Huawei. Ngoài ra, thời điểm này Citigroup Inc. (Mỹ) vẫn đang tiếp tục cung cấp dịch vụ ngân hàng hằng ngày cho Huawei bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, chuyện bị hạn chế tiếp cận các ngân hàng toàn cầu là chuyện đáng lo với Huawei, theo Bloomberg. Với quy mô hoạt động toàn cầu, Huawei phụ thuộc rất lớn vào sức mạnh của hệ thống đồng USD của Mỹ. Thêm nữa, không ngân hàng nào của TQ có tầm cỡ hoạt động toàn cầu như HSBC, Citi hay StanChart.

CNN dẫn nhận định nhiều nhà phân tích rằng Mỹ vẫn chưa xong với Huawei. Theo nhà phân tích Paul Triolo tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, viễn cảnh tệ nhất, Mỹ có thể sẽ ra tay với Huawei như đã làm với ZTE hồi đầu năm là cấm tập đoàn này mua các thiết bị quan trọng từ các công ty Mỹ. Lý do vì ZTE vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên. Vì ngón đòn này mà ZTE suýt phá sản và buộc phải nộp phạt một khoản tiền khổng lồ (1,4 tỉ USD) cũng như sa thải hàng loạt lãnh đạo để được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.

Trong nỗ lực khắc phục khó khăn, Huawei đã thuyết phục Ấn Độ thử nghiệm thiết bị 5G của mình. Trong tuyên bố tuần rồi, Huawei cho biết đã thực hiện một số thử nghiệm 5G ban đầu với các đối tác viễn thông không dây Bharti Airtel và Reliance Jio của Ấn Độ. Bất chấp cảnh báo từ Mỹ, điện thoại thông minh của Huawei vẫn được bán mạnh ở Ấn Độ.

Lao đao trong kinh doanh dường như chưa thật sự ảnh hưởng đến doanh thu. Nửa đầu năm 2018, doanh thu Huawei đạt 325,7 tỉ nhân dân tệ (tương đương 47,4 tỉ USD), vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái 15%. Doanh thu trung bình hằng năm của Huawei từ năm 2017 về trước là 600 tỉ nhân dân tệ (tương đương 93 tỉ USD), vượt qua cả doanh thu của tập đoàn máy bay Boeing (Mỹ).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm