Bốn điểm nóng năm 2014

Quan hệ Mỹ-Trung, biển Hoa Đông, biển Đông và CHDCND Triều Tiên là bốn điểm nóng đáng chú ý trong năm 2014. Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 30-12, chuyên gia Harry J. Kazianis ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định như trên.

Nguy cơ xảy ra biến cố

Theo chuyên gia Harry J. Kazianis, nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên tiếp tục gây căng thẳng ở Đông Bắc Á trong năm 2014. Nguy cơ xảy ra một vụ thử hạt nhân hoặc hành động khiêu khích gây khủng hoảng như sự cố đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc năm 2010 hoặc chính quyền CHDCND Triều Tiên sụp đổ đều có thể nhấn chìm Đông Bắc Á vào hỗn loạn.

Điểm nóng thứ hai là căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong năm 2014, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ có thêm bước ngoặt mới và sẽ khiến sự ganh đua của Trung Quốc và Mỹ thêm gay gắt và công khai hơn.

Năm 2014 chắc chắn sẽ không phải là một năm dễ dàng với nguy cơ xảy ra các biến cố trên biển như vụ tàu hải quân Trung Quốc suýt va tuần dương hạm USS Cowpens của Mỹ ở biển Đông, tranh chấp thương mại cũng như các tố cáo gián điệp lẫn nhau.

Bốn điểm nóng năm 2014 ảnh 1
 

Năm mới 2014 trên thế giới dưới ngòi bút biếm họa của Arend Van Dam (Hà Lan)

Trong năm mới, quan hệ này sẽ cạnh tranh hơn, căng thẳng hơn và đầy những tuyên bố thẳng thừng về ý đồ của hai bên.

Về điểm nóng biển Đông, căng thẳng trong năm 2014 sẽ lặp lại tương tự như đã xảy ra trong năm 2013. Bắc Kinh có thể tiếp tục thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền.

Với việc gần đây Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông cũng như triển khai tàu sân bay Liêu Ninh thử nghiệm và huấn luyện, có thể Trung Quốc sẽ gây sức ép đối với các khu vực tranh chấp ở biển Đông như bãi cạn Ayungin.

Điểm nóng cuối cùng là biển Hoa Đông. Căng thẳng Trung-Nhật về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điểm nóng đáng chú ý và quan trọng nhất toàn cầu. Vòng xoáy căng thẳng không lối thoát giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới còn có thể lôi kéo Mỹ nhảy vào.

Trong khi Trung Quốc tiếp tục tuần tra ở biển Hoa Đông bằng không quân, hải quân và kiểm soát vùng nhận dạng phòng không, Nhật cũng tìm cách củng cố quân đội với trọng tâm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nguy cơ xảy ra biến cố ở khu vực này rất lớn khi tàu hải quân và máy bay hai bên hoạt động quá gần nhau.

Căng thẳng Đông Nam Á

Trong khi đó, theo nhận định của báo The Nation (Thái Lan), dự báo tình hình khu vực Đông Nam Á sẽ rất căng thẳng trong năm 2014. Các cường quốc vốn đối đầu nhau trong năm 2013 ở Đông Nam Á sẽ tăng cường tiếp cận khu vực này, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải. Mỗi cường quốc đã đặt ra kế hoạch riêng nhằm bảo vệ và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Đông Nam Á năm 2014 sẽ đối mặt với ván cờ lớn chưa từng diễn ra ở châu Á bởi rắc rối hiện đã lan rộng không chỉ tại các khu vực giàu tài nguyên trên biển mà cả trên không trung sau khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Con đường mà mỗi quốc gia lựa chọn sẽ quyết định mức độ của ván cờ lớn này và sắc thái của môi trường chiến lược mới.

Khi Brunei giữ chức chủ tịch ASEAN trong năm 2013, ngay từ đầu Brunei đã vạch rõ ba ưu tiên gồm giảm căng thẳng trên biển Đông, gia tăng hội nhập kinh tế và chuẩn bị thế hệ trẻ cho tương lai ASEAN.

Chương trình nghị sự rõ ràng của Brunei sẽ giúp ích cho Myanmar khi nước này đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2014. Myanmar giữ chức chủ tịch ASEAN vào thời điểm hết sức quan trọng khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật và châu Âu đang có xu hướng tập trung về Đông Nam Á trong nỗ lực tái cân bằng lực lượng.

Trong 14 năm từ khi gia nhập ASEAN, Myanmar dường như vẫn còn nằm ngoài đại gia đình ASEAN. Chính sách và hành động của Myanmar cho thấy mối quan hệ gắn kết không mang tính chất ASEAN giữa Myanmar và ASEAN, đặc biệt là các chính sách an ninh, đối nội và đối ngoại.

Ví dụ, khi cuộc khủng hoảng liên quan đến người Hồi giáo Rohingya hồi tháng 10-2012 ở Myanmar đang ở giai đoạn gay gắt nhất, Myanmar lại từ chối đề nghị của ASEAN tổ chức một hội nghị cấp bộ trưởng để giải quyết vấn đề này. ASEAN lúng túng bởi cuộc khủng hoảng Rohingya ảnh hưởng đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan (người tị nạn từ Myanmar chạy sang).
Năm 2014, với vai trò chủ tịch ASEAN, Myanmar sẽ phải thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ với đại gia đình ASEAN. Các nước ASEAN vẫn không quên bi kịch Phnom Penh năm 2012 khi lần đầu tiên hội nghị cấp cao ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung.

Theo báo The Nation, bất cứ cuộc đàm phán nào liên quan đến các vấn đề nhạy cảm của ASEAN như biển Đông hay gần đây nhất là vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc phải được tham vấn đầy đủ và liên tục dù có hay không có đặc quyền của nước tân chủ tịch ASEAN.

 Theo báo The Nation (Thái Lan), dự báo 10 nước ASEAN có thể phản ứng theo hai cách. Một là hợp tác và tạo ra thế lực đàm phán mới. Hai là hành động như trước đây, nghĩa là ai cũng chọn thái độ riêng. Lựa chọn thứ hai chắc chắn sẽ gây chia rẽ và làm suy yếu nền móng ASEAN.

LÊ LINH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm