Bộ trưởng Y tế Mỹ thăm Đài Loan: Quan hệ Mỹ-Trung thêm nóng

Bộ trưởng Y tế Mỹ thăm Đài Loan: Quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng

Hãng tin Reuters cho biết chuyến bay chở Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar thăm chính thức Đài Loan đã đáp xuống sân bay quốc tế Tùng Sơn, trung tâm TP Đài Bắc hôm 9-8 (giờ địa phương). Tiếp đón ông là đại diện Mỹ tại Đài Loan Brent Christensen và người đứng thứ hai trong cơ quan ngoại giao Đài Loan Tien Chung-kwang.

Dự kiến trong thời gian làm việc sắp tới, Bộ trưởng Alex Azar sẽ ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác y tế với Đài Loan và thăm Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của hòn đảo này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết mục đích chính của ông Azar là ủng hộ vai trò quốc tế của Đài Loan trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Lằn ranh đỏ của Bắc Kinh

Đặt trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung hiện nay có thể thấy chuyến đi của Bộ trưởng Y tế Alex Azar được tổ chức giữa lúc căng thẳng hai bên dường như tiến ngày một gần hơn đến điểm bùng phát. Tình hình nghiêm trọng đến mức lãnh đạo hai bên phải liên tục phát đi cảnh báo nước còn lại đang đi vào vùng không thể quay đầu lại.

Đơn cử, trong bài viết ngày 8-8 cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) Dương Khiết Trì khẳng định hợp tác Mỹ - Trung sẽ đem lại lợi ích cho toàn nhân loại, không chỉ riêng hai nước. Ngược lại, nếu Mỹ và TQ đối đầu, đó chắc chắn là một thảm họa cho cả hai bên và thế giới.

Ông Dương còn khẳng định quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề này đã rất rõ với ba kiên quyết: Kiên quyết đáp trả; kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển của TQ; kiên quyết bảo vệ và giữ ổn định quan hệ Trung - Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị hôm 5-8 tuyên bố Bắc Kinh đã vạch ra một “lằn ranh đỏ” rõ ràng và Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu vượt qua. Ông cũng yêu cầu Mỹ phải ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của TQ, ngừng hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của TQ một cách vô lý.

Đối với Bắc Kinh, tranh chấp Biển Đông và tư cách độc lập của Hong Kong, Đài Loan là những vấn đề nhất định không thể nhượng bộ phương Tây, tức lằn ranh mà ông Vương đề cập ở trên. Sách trắng quốc phòng TQ năm 2019 từng nêu rõ không thể cho phép Đài Loan độc lập và sẵn sàng dùng bạo lực để thu hồi nếu cần thiết.

Có một số lý do chính khiến TQ muốn kiểm soát hoàn toàn hòn đảo này: (i) Đài Loan nằm trong một trong năm khu vực thuộc chuỗi đảo thứ nhất (bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và quần đảo Sunda lớn) chặn đường nước này tiến ra Thái Bình Dương; (ii) Đài Loan quá khác biệt đại lục về mặt ý thức hệ và mô hình quản trị, nếu để độc lập sẽ không có lợi cho hình ảnh một TQ thống nhất về mọi mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar (trái) và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (phải) hội đàm tại TP Đài Bắc ngày 9-8 (giờ địa phương). Ảnh: AFP

Mỹ ra mặt thách thức Trung Quốc

Dĩ nhiên, cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, lâu nay cũng không công nhận tư cách độc lập Đài Loan do ngại đối đầu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyến thăm Đài Loan của một quan chức Washington cấp cao như Bộ trưởng Alex Azar là tín hiệu rõ rệt của bước chuyển mình trong chính sách ngoại giao của Mỹ, sẵn sàng thách thức TQ ở những vấn đề trọng tâm và nền tảng nhất trong quan hệ hai nước.

Trong bài phát biểu tại thư viện Richard Nixon ở bang California hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng khẳng định đối sách TQ mới sẽ không bỏ qua các khác biệt về hệ thống chính trị và ý thức hệ. Ông cũng nhấn mạnh phải nhanh chóng kiểm soát TQ trước khi TQ “thay đổi ngược lại thế giới”.

Đài CNN dẫn thông báo của cơ quan quốc phòng Đài Loan ngày 10-8 khẳng định một chiến đấu cơ của TQ bất ngờ bay ngang qua eo biển Đài Loan, xâm phạm không phận của hòn đảo này. Đài Bắc sau đó phải điều khẩn cấp nhiều tiêm kích chặn đường xua đuổi. 

“Việc các cơ quan đại diện của Mỹ ở Đài Loan đồng loạt thông báo chính thức chuyến đi của Bộ trưởng Alex Azar và nhấn mạnh ông là quan chức Mỹ cao cấp nhất từng thăm hòn đảo này trong hơn 40 năm qua chứng tỏ khả năng Washington muốn bình thường hóa quan hệ với Đài Bắc là rất cao” - thành viên đảng Dân tiến Đài Loan Wang Ting-yu nhận định với tờ South China Morning Post.

Trước đó, việc tương tự cũng xảy ra ở Hong Kong khi Bộ Tài chính Mỹ tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ đóng băng, tịch thu tài sản trên lãnh thổ Mỹ của Trưởng đặc khu Carrie Lam và 10 quan chức Hong Kong khác với cáo buộc “làm tổn hại đến quyền tự trị và tự do của người dân Hong Kong”, một động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Mặt khác, những diễn biến ở Hong Kong cũng như ở Đài Loan cho thấy Mỹ sẵn sàng thực hiện các cam kết và bảo vệ lập trường ở vấn đề mâu thuẫn với TQ, theo hãng tin Bloomberg. Nhiều ý kiến thời gian qua cho rằng phương Tây thực chất chỉ có thể “phản đối suông” Bắc Kinh chứ không thể đưa ra hành động cụ thể vì châu Á là “sân nhà” của Bắc Kinh cũng như phương Tây không muốn đẩy căng thẳng đi quá xa. Tuy nhiên, Washington nay đã vượt qua các giới hạn này và kết quả lớn nhất thu được là các nước trong khu vực sẽ có niềm tin hơn vào sự hiện diện và sức ảnh hưởng của Mỹ.

“Các nước này sẽ có thêm động lực để phản kháng lại Bắc Kinh trên những vấn đề khác khi họ biết Mỹ nhiều khả năng sẽ hỗ trợ cho họ. Những nước còn đang do dự trong việc chọn giữa TQ hay Mỹ cũng sẽ có thêm thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn nhất” - Bloomberg cho hay.

Mỹ muốn “gậy ông đập lưng ông” với Trung Quốc

Giới lãnh đạo Mỹ dường như đang muốn “gậy ông đập lưng ông” TQ khi sử dụng chính chiến thuật “lát cắt salami” mà nước này áp dụng ở Biển Đông. “Lát cắt salami” hay tằm ăn dâu, tức là thực hiện các hành động nhỏ với tần suất tăng dần nhằm từng bước củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và các nơi khác mà TQ đang tranh chấp lãnh thổ.

Ở trường hợp Đài Loan, từ cuối năm 2017 đến nay, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua sáu đạo luật với mục tiêu gia tăng hỗ trợ Đài Loan, từ tinh giản việc mua bán vũ khí đến tăng cường các chuyến thăm ngoại giao của quan chức hai bên.

Song song với đó, hải quân Mỹ liên tục gửi tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải xung quanh Đài Loan. Các máy bay Mỹ nhiều lần bay vào không phận của hòn đảo này. Washington cũng giúp tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan thông qua các hợp đồng bán vũ khí trị giá nhiều tỉ USD. Có thể thấy chuyến thăm của ông Azar là bước đi mới nhất của chiến lược này.

“Bắc Kinh lâu nay dùng chiến thuật này với Đài Loan cũng như ở các khu vực khác, thông qua một loạt thay đổi nhỏ để gia tăng áp lực và tạo thế đã rồi. Giờ đây, Mỹ cho thấy họ cũng có thể làm điều tương tự” - học giả Kharis Templeman tại Viện Hoover (Mỹ) bình luận cho Bloomberg

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm