Bộ trưởng nhiều nước đồng loạt quan ngại về biển Đông

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á năm nay được tổ chức trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan sắp ra phán quyết trong vài tuần tới liên quan đến vụ kiện do Philippines đệ trình chống lại “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền. 

Mỹ nói rằng các quốc gia cần phải ủng hộ khi phán quyết được đưa ra rằng phán quyết mang tính ràng buộc và Trung Quốc phải tuân theo. Reuters cho biết trong khi đó Trung Quốc đang vận động hành lang các quốc gia khác ủng hộ nước này trong việc bác bỏ thẩm quyền của tòa trọng tài.

Đại biểu các nước tham gia Đối thoại Shangri-La năm 2016. Ảnh: CNA

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói rằng tình hình ở biển Đông đang tiếp tục được quan tâm. “Chúng tôi có các mối liên kết truyền thống với các quốc gia quanh biển Đông, nơi hơn một nửa giá trị thương mại của chúng tôi đi ngang qua”.

“Trong khi chúng tôi không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ, mà phải được giải quyết một cách hòa bình và không có sự đe dọa hay sử dụng vũ lực, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)” - ông Parrikar nhấn mạnh.

Ảnh chụp ngày 28-6-2015 cho thấy tiến độ bồi đắp và xây dựng trái phép của Trung Quốc, trong đó có một đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: ABCNEWS

Vị Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói: “Tất cả quốc gia trong khu vực cần phải nhận ra rằng sự thịnh vượng và tăng trưởng mà khu vực này cùng hưởng trong nhiều thập niên qua sẽ đứng trước nguy cơ bị phá hoại do các hành động hay cách hành xử gây hấn của bất kỳ ai trong chúng ta”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nhận định trạng thái mập mờ trong các bước đi của Trung Quốc ở biển Đông là mối quan ngại chính của các nước khu vực, có thể về cạnh tranh quân sự hiện nay và trong tương lai.

“Cạnh tranh quân sự là một vấn đề ngày càng nhạy cảm, chúng ta không thể cho phép nó trở thành một tác nhân gây xao lãng các mối đe dọa bên ngoài như IS, hay trở thành một yếu tố gây thêm căng thẳng không cần thiết trong khu vực này” - theo ông Hussein.

Về phía Anh, tại hội nghị, London cho biết họ không đứng về phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện cam kết của mình với luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bao gồm bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)” -  Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (hay Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 được tổ chức ba ngày tại Singapore, bắt đầu từ hôm 3-6. Hơn 560 đại biểu đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt tại hội nghị, trong đó có 32 đoàn đại biểu chính thức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm