Bộ Ngoại giao Nga: Phương Tây dàn dựng vụ đầu độc ông Navalny

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 2-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng chính phủ Nga nghi ngờ vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny là do phương Tây dàn dựng. Ông Lavrov nói như vậy vì đến giờ Moscow vẫn chưa nhận được kết quả điều tra từ Đức, theo báo The Moscow Times.

Ông Lavrov có phát ngôn trên khi ông Navalny đối mặt 2 năm 8 tháng tù do vi phạm các điều khoản quản chế liên quan tới một bản án tham ô năm 2014.

Nga: Phương Tây dàn dựng vụ đầu độc ông Navalny

“Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ kết quả điều tra nào từ Đức đưa ra cơ sở thực sự để buộc tội các quan chức chính phủ Nga (đầu độc ông Navalny)” – ông Lavrov nói sau cuộc họp với người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bên trong ghế bị cáo để nghe phán quyết của tòa án Moscow, Nga hôm 2-2. Ảnh: Press service of Simonovsky District Court/REUTERS

Bà Linde mở đầu cuộc họp song phương với ông Lavrov bằng việc bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Nga và việc nhà chức trách Nga đáp trả cuộc biểu tình ủng hộ ông Navalny hôm 31-1. Bà Linde kêu gọi ông Lavrov tham gia một cuộc thảo luận minh bạch về vụ đầu độc ông Navalny.

Đáp lại, ông Lavrov cáo buộc Thụy Điển và Đức theo đuổi chương trình nghị sự chính trị chống Nga mà không có căn cứ thực tế.

“Nếu các bạn cáo buộc chúng tôi thì các bạn phải chứng minh chúng tôi có tội. Nếu các bạn nói “Tôi sẽ không nói điều gì với bạn vì đó là thông tin tối mật hay vì bản thân bệnh nhân không cho phép các bạn chia sẻ kết quả điều tra, thì chúng tôi có tất cả lý do để nghi ngờ chuyện này được dàn dựng”- ông Lavrov nhấn mạnh.

Ông Navalny (44 tuổi) bị bắt ngay lập tức khi vừa từ Đức trở về sân bay ở Moscow hôm 17-1. Ông ở Đức trong nhiều tháng để điều trị sau khi trúng chất độc thần kinh Novichok tại vùng Siberia hôm 20-8-2020. Ông Navalny cáo buộc chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đầu độc ông.

Bộ Tư pháp Đức cho biết họ đã phản hồi yêu cầu của Nga về việc hỗ trợ điều tra vụ đầu độc ông Navalny hồi tháng 1.

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ lo ngại về việc Nga xử lý trường hợp của ông Navalny, đồng thời kêu gọi thả ông Navalny ngay lập tức.

Nga cảnh báo phương Tây không can thiệp vấn đề nội bộ của Nga

Bình luận về việc các quốc gia phương Tây kêu gọi thả ông Navalny sau khi ông bị kết án gần ba năm tù, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo không can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

“Đừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi đề nghị mọi người hãy lo giải quyết những vấn đề của riêng mình đi” – bà Zakharova trả lời đài truyền hình RBC của Nga hôm 2-2.

Cảnh sát và người biểu tình ở Moscow, Nga hôm 2-2. Ảnh: Evgenia Novozhenina/REUTERS

“Tin tôi đi. Những quốc gia này có đủ vấn đề của riêng họ, có nhiều vấn đề cần giải quyết” – bà Zakharova nói thêm. 

Ngay trước phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Tòa án TP Moscow hôm 2-2 tuyên ông Navalny 2 năm 8 tháng tù vì không tuân thủ các điều khoản của án treo 3 năm 6 tháng mà ông nhận liên quan tới vụ biển thủ 400.000 USD từ hai công ty năm 2014.

Vì ông Navalny đã bị quản thúc tại gia gần 10 tháng nên án treo 3 năm 6 tháng được rút ngắn còn 2 năm 8 tháng tù.

Bản án của ông đã vấp phải chỉ trích từ phương Tây. Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken nói rằng ông quan ngại sâu sắc việc ông Navalny bị kết án tù, đồng thời cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh để bắt Nga chịu trách nhiệm cho việc không duy trì các quyền của công dân nước mình.

Sau một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tuần trước, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ hành động quyết liệt nhằm đáp trả “những hành động của Nga gây tổn hại cho chúng tôi hoặc đồng minh của chúng tôi”.

Đại diện chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – ông Josep Borrell kêu gọi chính phủ Nga trả tự do cho ông Navalny ngay lập tức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ra tuyên bố tương tự.

“Bản án hôm nay chống lại ông Navalny là một đòn giáng chua xót nhằm vào các quyền tự do cơ bản và pháp quyền ở Nga. Ông Alexei Navalny phải được phóng thích ngay lập tức” – ông Maas viết trên Twitter.

Khi ông Navalny được điều trị tại Đức hồi năm ngoái, truyền thông thế giới tập trung vào phản ứng của Berlin đối với cuộc xét xử và kết án thủ lĩnh đối lập Nga. Giới chức Pháp kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel hủy dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sắp sửa hoàn tất để đáp trả.

Tuy nhiên, Berlin từ chối từ bỏ dự án. Nord Stream 2 sẽ đảm bảo dòng chảy khi đốt của Nga vào Đức mà không đi qua Ukraine. Mỹ đã trừng phạt nặng nề dự án này.

Các nước láng giềng của Nga như Lithuania và Latvia hối thúc EU trừng phạt Nga nhằm đáp trả bản án của ông Navalny. Mặc dù chưa có kế hoạch nào như vậy được thông báo chính thức song các ngoại trưởng EU tháng trước cho hay họ sẽ xem xét không trừng phạt nếu ông Navalny được tự do. Lệnh trừng phạt có khả năng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của EU vào tháng 3.

Trường hợp của ông Navalny làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Nga.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm