Bộ Ngoại giao Mỹ: Dàn xếp bằng ngoại giao ở biển Đông

Ngày 28-3 (giờ địa phương), trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin tại cuộc họp báo ở Washington, D.C., người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố chính phủ Mỹ quan ngại về thông tin biến cố giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa khiến tàu cá Việt Nam bốc cháy ngày 20-3.

Người phát ngôn nhấn mạnh Mỹ muốn các bên phải bảo đảm an toàn hàng hải và không đưa ra các hành động làm tổn hại đến triển vọng dàn xếp bằng ngoại giao đối với vấn đề ở biển Đông.

Người phát ngôn khẳng định một lần nữa rằng lập trường của Mỹ là phản đối các bên tranh chấp sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ở biển Đông.

Liên quan đến thông tin Trung Quốc tập trận hải quân gần bãi cạn James sát bờ biển Malaysia hôm 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland kêu gọi các bên liên quan phải cân nhắc khi có kế hoạch hoạt động quân sự ở khu vực tranh chấp vì điều này có thể gây tranh cãi và dẫn đến hậu quả không lường trước.

Bộ Ngoại giao Mỹ: Dàn xếp bằng ngoại giao ở biển Đông ảnh 1

Tàu Trung Quốc tập trận hải quân gần bãi cạn James sát bờ biển Malaysia. Ảnh: THX

Nhận định về sự kiện tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam ngày 20-3, Đài Tiếng nói Nga (RUVR) ngày 28-3 cho rằng chính sách cứng rắn hơn của Trung Quốc ở biển Đông được tiến hành theo quy tắc mới về hoạt động của lực lượng cảnh sát biển tỉnh Hải Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.

Theo quy tắc mới, tàu chiến của cảnh sát biển có quyền dừng, kiểm tra, bắt giữ và trục xuất các tàu nước ngoài vào vùng biển trung lập đối với các tàu vào khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đài Tiếng nói Nga ghi nhận điều này có nghĩa Trung Quốc đã rõ ràng xâm lấn tự do hàng hải ở biển Đông.

Đài Tiếng nói Nga dẫn lời chuyên gia Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương (Viện nghiên cứu phương Đông của Nga), nhận xét: “Mặc dù Trung Quốc nói các bạn có thể tiếp tục hàng hải tự do, chúng tôi cho phép nhưng vấn đề lại khác. Nếu trước đây tự do hàng hải là quyền tự nhiên được ghi trong luật pháp quốc tế thì bây giờ tự do hàng hải phải có lời cho phép của Trung Quốc và đó là một tình huống khác”.

Đài Tiếng nói Nga nhận định trong năm 2013, vấn đề biển Đông được nâng lên tầm quốc tế vì Philippines đã kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế.

Theo chuyên gia Dmitry Mosyakov, phương pháp hợp lý nhất để giải quyết vấn đề biển Đông là các bên cần thỏa hiệp, có nghĩa là chú ý đến lợi ích của tất cả các bên trong vấn đề tự do hàng hải và hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên phong phú của khu vực. Đây là mục tiêu của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hướng tới.

Báo Financial Times (Anh) ngày 29-3 tiết lộ Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết cuối năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc cấp hộ chiếu mới có in đường lưỡi bò ở biển Đông cho công dân Trung Quốc, Indonesia đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta. Tuy nhiên, Indonesia không công bố sự kiện này vì không muốn gây ồn ào về ngoại giao.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm