Biến thể Delta khác với biến thể Alpha ra sao?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt bốn biến thể virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) vào danh sách “gây lo ngại” trên toàn cầu, sau đó đặt lại tên theo chữ cái Latin, lần lượt là Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, hai biến thể Alpha và Delta được biết tới nhiều nhất.

Biến thể Alpha được ký hiệu B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh vào tháng 9-2020. So với các chủng virus SARS-CoV-2 “hoang dã” (gây dịch tại Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch), biến thể Alpha chứa các đột biến N501Y, D614G, P681H, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Biến Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 12-2020, được ký hiệu là B.1.617.2. Biến thể này có các đột biến đặc trưng là L452R, T478K, D614G, P681R. 

Ảnh minh họa. Ảnh: WEBMD

Biến thể Delta được coi là nguyên nhân gây ra làn sóng COVID-19 mới ở hàng loạt quốc gia, kể cả những nước từng rất thành công trong các đợt dịch trước. Biến thể Delta có nhiều đặc điểm khác biệt rõ rệt với các biến thể khác.

. Nguy cơ lây nhiễm, gây bệnh: Theo các chuyên gia Trường Y thuộc Đại học Yale (Mỹ), biến thể Delta gây ra nguy cơ lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha, trong khi bản thân biến thể Alpha đã có khả năng lây cao hơn 50% so với các thể virus SARS-CoV-2 “hoang dã”.

Trong một cộng đồng không thực hiện các biện pháp phòng dịch, một người nhiễm thể virus SARS-CoV-2 “hoang dã” có thể lây cho 2-3 người thì biến thể Delta khiến tỉ lệ lây nhiễm này tăng lên thành một người lây cho bốn người.

Một nghiên cứu tại Scotland cho thấy so với biến thể Alpha thì biến thể Delta gây bệnh nặng hơn ở các bệnh nhân chưa được chủng ngừa COVID-19. Tỉ lệ bệnh nhân nặng và phải nhập viện đối với biến thể Delta là gấp đôi tỉ lệ tương tự do biến thể Alpha.

Biến thể Delta cũng được cho là gây ra các triệu chứng khác với thể virus SARS-CoV-2 “hoang dã”. Người mắc biến thể Delta ít khi gặp triệu chứng ho và mất khứu giác hơn nhưng lại phổ biến các triệu chứng đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt.

. Nguy cơ kháng vaccine: Cả biến thể Alpha và Delta đều ảnh hưởng tới hiệu quả các các loại vaccine mà châu Âu đang dùng.

Vaccine của liên danh Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), của hãng dược AstraZeneca (Anh) hay của hãng dược Moderna (Mỹ) đều hiệu quả trong việc bảo vệ người dân không bị nhiễm biến thể Delta hoặc nhiễm nhưng không phải nhập viện.

Người đã được tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca sẽ giảm 92% nguy cơ nhập viện vì COVID-19 đối với biến thể Delta. Đối với biến thể Alpha, tỉ lệ này là 86%. Vaccine của AstraZeneca cũng giảm nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng 74% đối với biến chủng Alpha và 64% đối với biến chủng Delta.

Theo nghiên cứu tại Israel - một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, vaccine của Pfizer/BioNTech giảm 64% nguy cơ nhiễm biến thể Delta, 64% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng và 93% nguy cơ nhiễm bệnh nặng phải nhập viện nếu nhiễm biến thể này.

Hiệu quả của vaccine của Moderna đối với biến thể Delta là 96% đối với nguy cơ nhập viện, 72% đối với nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng. Trước đó, Moderna đã khẳng định vaccine của hãng này vẫn hiệu quả với biến thể Alpha.

Vaccine Sputnik V của Nga cũng được cho là hiệu quả trong việc bảo vệ người được tiêm chủng trước biến thể Delta.

Cộng đồng khoa học thế giới vẫn đang tiếp tục theo dõi và nghiên cứu biến thể Delta cũng như các thể đột biến khác của virus SARS-CoV-2 để có cái nhìn rõ ràng hơn về loại virus mới này và từ đó, tìm ra cách hiệu quả nhất để kiểm soát, khống chế đại dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm