Biển Đông: Tại sao Mỹ chưa ‘ghè’ được chân Trung Quốc?

Hôm qua (27-5) Reuters đưa tin hai tàu chiến Mỹ, gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam, đã tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Gần một năm trước, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stethem cũng đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Các hoạt động này nằm trong nội dung tuần tra “tự do hàng hải” mà Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện ở biển Đông nhiều năm qua.

Giới quan sát từ lâu đánh giá hoạt động tuần tra của Mỹ ở biển Đông chỉ mang tính biểu tượng hơn là các biện pháp có thể “ghè chân” TQ. Trong tương quan so sánh mức độ nghiêm trọng mà TQ đang tạo ra một cách phi pháp ở các tiền đồn quân sự đồ sộ giữa biển thì mức độ can dự của Mỹ thời gian qua là quá yếu ớt.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins. Ảnh: U.S.NAVY

TQ đã quan sát hành động của Mỹ ở biển Đông qua nhiều năm và rút ra nhiều bài học. Đến thời Trump, TQ hiểu rằng Washington không đặt trọng tâm vào biển Đông, chí ít là biển Đông không nằm trong một chiến lược mạch lạc nào. Bắc Kinh xây dựng một lộ trình lấp đầy quyền lực cứng ở biển Đông bằng vũ khí hạng nặng có khả năng đe dọa những hạm đội mạnh nhất của Mỹ trong phạm vi cục bộ. Trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, một đơn vị nổi tiếng trong giới nghiên cứu quan hệ quốc tế, khi so sánh tương quan sức mạnh quân sự Mỹ và TQ trong một cuộc chiến giả định, lần đầu tiên đưa ra nhận định không quân TQ đã đạt được ưu thế tương đương với Mỹ trong cuộc xung đột diễn ra gần quốc gia này, bao gồm cả Đài Loan. Sự nguy hiểm của quân đội TQ chắc chắn các quan chức Mỹ đều hiểu rõ.

Vị thế của Mỹ tại khu vực nhiều thập niên qua được đảm bảo không chỉ bởi quân đội của nước này mà còn sự hợp tác của các đối tác và đặc biệt của các đồng minh. Nhưng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã không còn một hệ thống “trục-nan hoa” hoàn hảo. Mối liên kết với đồng minh ở biển Đông và xung quanh khu vực biển Đông đều trở nên yếu ớt, vì “đồng minh phải tự mình gánh vác” và Mỹ tấn công kịch liệt mặt trận thương mại. Sự bất lực và phản ứng yếu ớt của Philippines gần đây trước các động thái của TQ như chính tổng thống Philippines thốt lên “chúng ta có thể làm gì?” (trước một lực lượng quân đội hùng hậu của TQ có thể tiến vào Manila trong vài phút).

Mỹ không thể đơn phương đối đầu với TQ tại khu vực nhưng nếu vẫn chỉ tuần tra tự do hàng hải và tranh cãi qua lại trên truyền thông, chắc chắn TQ sẽ lấn tới. TQ sẽ dè chừng khi dư luận quốc tế đủ ồn ào như phán quyết của Tòa trọng tài 2016; khi Bắc Kinh cảm thấy Mỹ đặt biển Đông vào trọng tâm chiến lược tại châu Á, được cam kết thực hiện bằng một hệ thống đồng minh và đối tác chặt chẽ trong đó mỗi quốc gia hay tổ chức (như ASEAN) sẽ đóng góp một ưu thế, bao gồm cả kinh tế lẫn quân sự chứ không phải tình trạng “không ai là đối thủ” như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm