Biển Đông: Hạ viện Philippines thúc thông qua dự luật hàng hải

Theo đài CNN Philippines, ông Rufus Rodriguez - phó chủ tịch Hạ viện Philippines – ngày 17-2 đã thúc giục lãnh đạo Hạ viện thông qua “Dự luật các khu vực hàng hải của Philippines”, theo đó sẽ xác định các vùng biển và lãnh thổ hàng hải của nước này tại Biển Đông.

Động thái trên được cho là nhằm đối phó việc Trung Quốc gia tăng hiện diện tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và khiến Bắc Kinh lưu ý về việc phân định của Manila tại khu vực này.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu hải quân Philippines vào bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm 2014. Ảnh: AP

Ông Rodriguez hôm 17-2 đã kêu gọi lãnh đạo Hạ viện thông qua “Dự luật các khu vực hàng hải của Philippines”, hay còn gọi là “Dự luật Hạ viện 6156”.

Một khi được thông qua, dự luật này sẽ là một biện pháp nhằm tuyên bố các vùng biển thuộc quyền tài phán của Philippines và vạch ra các ranh giới để phân định vùng nội thủy của Philippines, ông Rodriguez cho biết.

“Tôi đang thúc giục lãnh đạo Hạ viện xem xét và thông qua dự luật, theo đó sẽ củng cố vị thế của Philippines tại Biển Đông. Điều này sẽ giúp đối phó việc luật pháp Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng đối với tàu nước ngoài đi vào vùng biển tranh chấp tại Biển Đông” - ông Rodriguez nói.

Dự luật trên đã được đệ trình vào tháng 2-2020, song vẫn đang chờ Ủy ban Đối ngoại Hạ viên xử lý cho đến nay.

Định nghĩa về lãnh thổ hàng hải của Philippines do ông Rodriguez đề xuất bao gồm cả bãi cạn Scarborough (hiện phía Trung Quốc đang chiếm đóng).

Trong dự luật, ông Rodriguez cho biết Philippines, với tư cách là một bên ký kết và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1983, “công nhận việc thiết lập các vùng biển khác nhau và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, bao gồm Philippines, mà tại đó chủ quyền và các quyền chủ quyền có thể được thực thi”.

Ông Rodriguez nhấn mạnh “Philippines phải tiếp tục thực thi chủ quyền của mình đối với các vùng nội thủy và vùng nước quần đảo, phần ngầm dưới biển và lòng đất dưới đáy biển phù hợp với UNCLOS, các luật và điều ước hiện hành khác".

Ông nói thêm rằng Philippines cũng thực thi các quyền chủ quyền đối với “vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, bao gồm quyền thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật, hữu cơ hoặc không hữu cơ”.

Theo CNN Philippines, không rõ đề xuất nêu trong dự luật trên có sự khác biệt như thế nào so với luật hiện hành của Philippines trong việc xác định đường cơ sở quần đảo. Quốc hội Philippines hồi năm 2009 đã ban hành Đạo luật Cộng hòa số 9522, theo đó đường cơ sở của Philippines hiện nay phù hợp với UNCLOS. 

Lời kêu gọi của ông Rodriguez được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đã bí mật xây dựng trái phép nhiều cấu trúc mới trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Philippines gọi là đá Panganiban).

Trước đó, báo Inquirer (Philippines) ngày 17-2 dẫn ảnh vệ tinh của công ty công nghệ Simularity (Mỹ) cho thấy các diễn biến mới trên đá Vành Khăn từ năm 2020 đến đầu năm 2021. Công ty Simularity đã xác định được những thay đổi đáng kể tại bảy vị trí trên đá Vành Khăn, cho thấy Bắc Kinh dường như đang xây dựng các cơ sở radar mới.

Cùng ngày, ông Jose Santiago Sta. Romana – đại sứ Philippines tại Trung Quốc – cho biết: "Thông qua phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, Trung Quốc trấn an chúng tôi rằng họ không nhằm vào Philippines hoặc bất cứ quốc gia cụ thể nào và sẽ không sử dụng vũ lực trước".

Ông Sta. Romana đưa ra bình luận trên khi được hỏi rằng liệu Philippines có nên triệu tập đại sứ Trung Quốc vì luật hải cảnh đầy tranh cãi của nước này hay không.

Bãi cạn Scarborough là một mục tiêu tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc (gọi là đảo Hoàng Nham).

Philippines khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mình, thể theo UNCLOS. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, vin vào lý lẽ lịch sử.

Trước năm 2012, cả Philippines và Trung Quốc đều không duy trì hiện diện thường xuyên ở bãi cạn Scarborough, tuy nhiên Hải quân Philippines vẫn thường tuần tra khu vực này.

Sau hai tháng tranh chấp quyết liệt (từ tháng 4 đến tháng 6-2012), Trung Quốc đã chiếm đóng và duy trì kiểm soát bãi cạn Scarborough đến nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm