Biển Đông: Còn thiếu ‘lòng tin chiến lược’

Ngày 27-11, tại TP.HCM, Hội thảo Quốc tế lần thứ chín về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã khai mạc.

Bài toán khó lường

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng biển Đông vẫn là “một trong những bài toán khó hiểu, khó lường đối với giới nghiên cứu và học giả quốc tế” và “điểm nóng hội tụ” của nhiều lớp mâu thuẫn, cạnh tranh địa chiến lược của thế giới”.

Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài, tình hình biển Đông có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhìn trong tổng thể và dài hạn hơn, bất an và lo ngại vẫn đè nặng bởi nỗi lo trước nguy cơ “vô trật tự và xung đột”. Trật tự trên biển bị xói mòn do luật pháp quốc tế vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Những nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp vẫn mang tính “đối phó” và “chắp vá”. Một nghịch lý còn tồn tại là mặc dù có nhiều sáng kiến hợp tác nhưng kết quả thực chất lại hết sức hạn chế do thiếu hụt “lòng tin chiến lược”.

Các động thái của Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa thực thể trên biển Đông vẫn tiếp diễn gây nhiều lo ngại. Ảnh: REUTERS

450 tỉ USD là mức chi tiêu quốc phòng trong năm 2016 của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mức tăng lớn thể hiện nhu cầu chạy đua về quốc phòng đặc biệt cao của khu vực, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). 

Lạc quan và tỉnh táo về COC

Đánh giá về các diễn biến trên biển Đông năm vừa qua, bà Colin Willett, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng các bên đã duy trì được thái độ khá bình tĩnh, hạn chế các va chạm. Bà cũng đánh giá cao bước tiến ngoại giao trong xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu tháng 11 và lạc quan trước các nỗ lực đối thoại hiện nay. Tuy nhiên, bà Willett cho rằng vẫn cần tỉnh táo nhìn nhận một số xu hướng “đáng lo ngại” trên biển Đông và “con đường phía trước vẫn chưa rộng mở hoàn toàn”.

GS Carlyle A. Thayer, Viện Quốc phòng Úc, cũng bày tỏ kỳ vọng tiến trình đàm phán COC sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khi Singapore tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN hướng đến một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Ông cho rằng về trung hạn Trung Quốc sẽ duy trì đàm phán COC để giữ các “cường quốc bên ngoài” như Mỹ và Nhật Bản không can thiệp vào vấn đề biển Đông. Trong khi đó, Mỹ và các cường quốc khác vẫn có thể tạo ảnh hưởng bằng cách ủng hộ ASEAN trong nỗ lực xây dựng COC.

Còn nhiều dư địa cho hợp tác Việt-Mỹ

Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM về các lĩnh vực Việt Nam và Mỹ có thể tăng cường hợp tác trong tương lai đối với vấn đề biển Đông, bà Colin Willette cho biết: “Trong các lĩnh vực hợp tác chắc chắn sẽ có vấn đề luật pháp quốc tế. Tôi rất mong muốn nhìn thấy Mỹ, Việt Nam và các nước trong khu vực hợp tác trong các vấn đề môi trường”. Bà cho rằng việc đánh bắt cá quá mức trên biển Đông, chẳng hạn như một số kỹ thuật đánh bắt của các tàu cá Trung Quốc, là vấn đề lớn cần được quan tâm để bảo vệ nguồn thực phẩm và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực.

Cũng theo bà Willette, cả chính phủ tiền nhiệm lẫn chính phủ của Tổng thống Donald Trump đều nhấn mạnh thắt chặt quan hệ song phương Việt-Mỹ. “Tôi cho rằng vẫn còn dư địa rất lớn để hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực” - bà nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm