Biển Đông: Các nước phải đoàn kết, ứng phó với Trung Quốc

Trong bài viết ngày 31-5 cho tờ The Nikkei, cựu đô đốc Mỹ James Stavridis - hiện là hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts (Mỹ) đã ra lời kêu gọi thế giới phải có động thái ngăn chặn các hành vi khiêu khích, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông. Nếu cứ tiếp tục đứng nhìn, hậu quả cuối cùng là toàn bộ khu vực này dần dần sẽ biến thành ao nhà của Bắc Kinh trong khi hiện diện của Mỹ dần mai một.

“Một khi Washington rút hoàn toàn khỏi Biển Đông, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp sẽ là nạn nhân tiếp theo” - ông Stavridis cảnh báo.

Căng thẳng không hồi kết ở Biển Đông

Mở đầu bài viết, ông James Stavridis nhận định trong hai thập niên qua, chiến lược của TQ ở Biển Đông làm ông nhớ tới câu nói trong quyển Binh pháp Tôn Tử: “Không đánh cũng có thể khiến đối phương khuất phục”. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự kiên nhẫn đó đã biến mất khi Bắc Kinh gần đây cho thấy sẵn sàng đối đầu trực diện với bất kỳ nước nào thách thức vị thế của TQ.

Indonesia là quốc gia đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 đối mặt với sức ép từ phía TQ. Giữa tháng 4-2020, tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 của TQ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, bám theo đuôi tàu West Capella, một tàu thăm dò dầu khí hợp tác với công ty dầu khí quốc gia Malaysia - Petronas.

Tiếp đó, tàu hải cảnh TQ bất ngờ đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu chiến TQ thì chĩa pháo vào tàu tuần tra của Philippines trên Biển Đông. Các hành động này sau đó bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt.

Cựu đô đốc Stavridis cũng kể lại thời gian ông từng chỉ huy một nhóm tàu chiến hoạt động ở Biển Đông. Theo đó, các tàu dưới quyền của ông đã đi qua các vùng biển TQ tuyên bố chủ quyền trong khi nước này liên tục có động thái xua đuổi, yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực.

“TQ thường cho các máy bay lượn qua lượn lại phía trên các tàu khu trục. Đôi khi chúng chỉ bay sát mũi tàu hoặc điều tàu chiến để thách thức tàu Mỹ. Sau đó, họ phát loa yêu cầu tàu Mỹ phải dừng lại và hướng hệ thống radar điều khiển hỏa lực chính xác về phía tàu của chúng tôi. Có lần họ còn chĩa cả tên lửa và súng nhằm vào hướng các lực lượng Mỹ và áp sát các tàu của chúng tôi ở khoảng cách gần” - ông Stavridis cho hay.

Hải quân Mỹ tập trận chung cùng lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trên Biển Đông hồi tháng 7-2014. Ảnh: REUTERS

Giải pháp nào hạ nhiệt căng thẳng?

Theo cựu đô đốc Mỹ, chìa khóa để giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông là phần còn lại của thế giới phải tìm cách chậm rãi tác động, thay đổi cách hành xử của TQ mà không phá vỡ quan hệ của nước này với Mỹ do nguy cơ nổ ra Chiến tranh lạnh hay xung đột vũ trang hai bên là rất cao.

“Cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này là các nước nên tiến hành nhiều hơn các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải. Mỹ có thể siết chặt thêm mối quan hệ hợp tác với các quốc gia xung quanh Biển Đông. Đồng thời, động thái gây sức ép để mở điều tra quốc tế toàn diện về nguồn gốc khởi phát của dịch COVID-19 cũng là một phương án hữu hiệu khiến TQ phải chùn bước” - ông Stavridis viết.

Biển Đông: Các nước phải đoàn kết, ứng phó với Trung Quốc ảnh 2
 

Việc lựa chọn chủ động đối đầu với một nước lớn như TQ là một quyết định không ai muốn phải đưa ra. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của nước này là một thách thức chưa từng có tiền lệ mà không một nước nào có thể hy vọng vượt qua được một mình.

Cựu đô đốc Hải quân Mỹ JAMES STAVRIDIS
Hiệu trưởng Trường Luật và
Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts (Mỹ)
 

Bên cạnh các biện pháp cứng rắn, các nước khác cũng nên kèm theo đó là những lời đề nghị hợp tác với TQ mà mục đích là đưa nước này hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Những đề nghị này có thể bao gồm các thỏa thuận thương mại hay hợp tác trên các tuyến thương mại Bắc Cực - vốn là khu vực mà Bắc Kinh đang tỏ ý muốn mở rộng ảnh hưởng của mình. Tiếp đó, khi TQ có thiện chí hợp tác, các nước khác có thể nâng quan hệ này lên thành các hoạt động nhân đạo chung và tìm kiếm giải pháp đạt được các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược và chiến thuật.

“Về cơ bản, Mỹ và các nước khác phải đối đầu trong những lĩnh vực cần đối đầu và hợp tác trong lĩnh vực có thể hợp tác với TQ. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng cảnh báo nhiều tháng trước rằng ông thấy Mỹ và TQ như thể “đang ở dưới chân đồi của một cuộc chiến tranh lạnh” - cựu đô đốc James Stavridis chia sẻ.

Ông cũng nói thêm rằng dù rất thích phép so sánh ẩn dụ dùng hình ảnh núi đồi của ông Kissinger, song theo ông, Mỹ cũng cần nhìn ra thực địa để đánh giá chính xác mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên căng thẳng tới mức nào. Ông dự báo Biển Đông thời gian tới khó có khả năng yên ổn.

Trung Quốc đã có kế hoạch lập ADIZ Biển Đông từ 2010

Tờ South China Morning Post ngày 31-5 dẫn nguồn tin nội bộ quân đội TQ tiết lộ lãnh đạo nước này đã hoàn tất kế hoạch thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trái phép ở Biển Đông từ năm 2010.

Theo đó, ADIZ của TQ dự kiến sẽ bao trùm quần đảo Đông Sa ở Đông Bắc Biển Đông (đang do Đài Loan kiểm soát) và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm Bắc Kinh sẽ chính thức công bố kế hoạch này.

Chuyên gia quân sự Đài Loan Lu Li-Shih chỉ ra việc Bắc Kinh ngang nhiên bồi đắp, xây dựng trái phép đường băng và hệ thống radar trên các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thời gian qua đều là để phục vụ kế hoạch này.

Giới quan sát nhận định nếu Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông ngay lúc này sẽ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào căng thẳng giữa TQ với Mỹ cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ TQ - ASEAN. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm