Biển Đông: Bắc Kinh tiến hành khoan sâu lấy lõi trầm tích

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này ngày 7-4 đã tiến hành khoan sâu tại Biển Đông để lấy lõi trầm tích từ đáy biển.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Đài Loan và Philippines liên quan các vùng biển tranh chấp, cũng như căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh-Washington tiếp tục leo thang.

Một tàu nghiên cứu biển có hệ thống "Sea Bull II". Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, các nhà khoa học Trung Quốc trên một tàu nghiên cứu biển hôm 7-4 đã sử dụng hệ thống khoan “Sea Bull II” do nước này sản xuất để thu được lõi trầm tích dài 231 m ở độ sâu 2.060 m. Quá trình này kéo dài khoảng 15 giờ.

Hiện không rõ Trung Quốc đã khoan xuống địa điểm chính xác nào trên Biển Đông. 

Cũng theo Tân Hoa Xã, hệ thống khoan “Sea Bull II”, nặng 12 tấn, hiện là thiết bị thăm dò địa chất dưới nước nặng nhất của Trung Quốc.

Đây được xem là thiết bị khoan đáy biển duy nhất trên thế giới với khả năng khoan hơn 200 m, có thể giúp khám phá các nguồn khí tự nhiên hydrat dưới đáy biển (băng cháy - các tinh thể rắn giống như băng được hình thành từ hỗn hợp khí metan và nước), vốn được coi là một nguồn năng lượng đầy hứa hẹn, hãng thông tấn cho biết thêm.

“Sea Bull II có thể tiến hành khoan dưới mực nước biển ở độ sâu trên 2.000 m với độ sâu khoan trên 200 m” - ông Lin Qi, trợ lý nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu khoa học biển của Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc (NISCSS), nói với tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 8-4.

Theo ông Lin, Biển Đông ước tính có nguồn băng cháy tương đương 800 tấn dầu, đồng thời cho biết thêm Sea Bull II sẽ tăng độ chính xác của quá trình phát hiện nguồn tài nguyên này.

Động thái Trung Quốc tiến hành khoan sâu tại Biển Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực này tiếp tục gia tăng liên quan vụ hơn 200 tàu cảu Trung Quốc bị phát hiện neo đậu trái phép tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Ngày 4-4, Hải quân Mỹ đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông.

Theo tờ South China Morning Post, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island của Mỹ đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông từ cuối ngày 7-4 cho đến đầu ngày 8-4. Nhóm này gồm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và tàu đổ bộ USS San Diego.

Theo đài ABS-CBN (Manila), một tàu hải cảnh và tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 của Trung Quốc hôm 8-4 đã truy đuổi tàu chở phóng viên của ABS-CBN đang tìm cách tiếp cận bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Phóng viên Chiara Zambrano của ABS-CBN và êkip đi cùng đã quay lại toàn bộ sự việc ngày 8-4.

"Chúng tôi đang trên đường đến bãi Cỏ Mây thì một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện, tiến về phía chúng tôi và di chuyển ngày càng gần. Những người trên đó gửi một liên lạc vô tuyến bằng tiếng Anh, hỏi chúng tôi là ai và chúng tôi đang làm gì tại khu vực này" - bà Zambrano kể lại trong bản tin tối 8-4.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm