Bệnh nhân đầu tiên chết tại Mỹ

Đó là một em bé 23 tháng tuổi tại bang Texas. Số ca nhiễm đã tăng lên 64 người ở sáu bang, tăng thêm một bang (New York, California, Texas, Kansas, Ohio, Indiana).

Cùng ngày, Đức trở thành nước thứ tám trên thế giới xác nhận có người nhiễm virus cúm heo. Sau tin này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu các chuyên gia y tế họp khẩn qua điện thoại nhằm nhận định cơ chế lây lan của virus cúm heo, quá trình tàn phá sức khỏe người và phương pháp điều trị. WHO đang cân nhắc tăng mức báo động lên một cấp nữa (lên cấp năm trong sáu cấp).

Tại Mexico, số người chết tăng thêm bảy trường hợp so với ngày trước, tức 159 người. Mexico xác nhận lại chỉ có bảy ca chết do nhiễm virus cúm heo chứ không phải 20 ca như thông báo trước. Số ca nhiễm hiện là 19 ca và 2.498 ca nghi nhiễm (chỉ 1.300 ca phải nằm bệnh viện).

Tại Canada, số người nhiễm tăng lên 13 người. Hầu hết gần đây có qua lại Mexico. New Zealand xác nhận thêm ba ca nhiễm nữa, nâng tổng số ca nhiễm lên 14. Nước này đã tăng mức cảnh báo dịch trên cả nước.

Cùng ngày, Úc quyết định cách ly 10 ca nhiễm và hơn 100 người nghi nhiễm để kiểm soát lây lan. Ai chống cự sẽ bị tạm giữ.

Tại Hàn Quốc cho biết đang cách ly năm ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm heo, tăng thêm bốn ca so với ngày trước đó. Tất cả đều vừa từ Mexico và Mỹ về. Thái Lan cũng có một phụ nữ nghi nhiễm. Bà này có sang Mexico dự hội thảo hồi giữa tháng 4.

Cùng ngày, một phụ nữ Costa Rica 21 tuổi vừa trở về từ Mexico hôm 25-4 đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm heo.

THIÊN ÂN (Theo AP, AFP, CNN, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm