Bất ổn Belarus: Phe đối lập thành lập ‘hội đồng điều phối’

Phe đối lập Belarus đã thành lập một hội đồng điều phối bên trong đất nước, trong một động thái mà Tổng thống Alexander Lukashenko cho là một âm mưu tiếm quyền giữa lúc bất ổn dâng cao do các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Nhiều nhân vật đối lập chính của Belarus đang bị giam giữ hoặc sống lưu vong ở nước ngoài, bao gồm ứng viên tổng thống Sviatlana Tsikhanouskaya, người đã sang Lithuania lánh nạn sau cuộc bỏ phiếu mà những người ủng hộ cho rằng bà đã giành chiến thắng.

Hàng ngàn người Belarus đã xuống đường để phản đối việc Tổng thống Lukashenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu, bất chấp phản ứng mạnh tay của nhà chức trách. Họ đòi nhà lãnh đạo lâu năm này phải từ chức.

Tổng thống Alexander Lukashenko và đối thủ Sviatlana Tsikhanouskaya. Ảnh: EURONEWS

Theo hãng tin Reuters, tại cuộc họp báo công bố thành lập hội đồng điều phối của phe đối lập, bà Olga Kovalkova - đại diện của ứng viên Tsikhanouskaya - đã bày tỏ hy vọng nhân vật này sẽ sớm quay về thủ đô Minsk, đóng vai trò là người bảo đảm trong một cuộc chuyển giao quyền lực được thương thảo.

“Chúng tôi chỉ hoạt động thông qua các phương tiện hợp pháp. Tình hình rất nguy cấp. Chính quyền không còn cách nào khác là phải tiến tới đối thoại. Tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn mà thôi” – bà Kovalkova nói..

Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình trước Hội đồng An ninh Belarus, Tổng thống Lukashenko đã mô tả hội đồng điều phối của phe đối lập là “một nỗ lực nhằm tiếm quyền” và thề sẽ có “các biện pháp thích hợp”.

Kể từ khi được xác nhận là người thắng cử với 80% theo kết quả chính thức, ông Lukashenko dường như không đánh giá đúng phản ứng của người dân tại một đất nước đang lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế và phải chống chọi với đại dịch COVID-19 – điều mà nhà lãnh đạo này đã bác bỏ. Ít nhất hai người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt giữ.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Lukashenko đang mất dần quyền lực đối với đất nước mà ông ta đã cai quản trong 26 năm, với việc công nhân đình công tại các nhà máy quốc doanh từ lâu được coi là cơ sở hậu thuẫn vững chắc của nhà lãnh đạo này.

Sau khi các video xuất hiện trên Internet cho thấy một số cảnh sát vứt đồng phục của họ vào thùng rác, Bộ Nội vụ Belarus hôm 18-8 thừa nhận rằng một số cảnh sát đã bỏ việc.

Trong số những nhân vật cao cấp cấp cao lên tiếng chống lại chính phủ của Tổng thống Lukashenko, có ông Pavel Latushko - từng là đại sứ của Belarus tại Ba Lan, Pháp và Tây Ban Nha trước khi trở thành giám đốc nhà hát danh giá nhất nước vào năm ngoái. Ông bị sa thải sau khi bày tỏ sự phẫn nộ với việc ngược đãi những người biểu tình bị giam giữ.

Cũng trong ngày 18-8, Đại sứ Belarus tại Slovakia - ông Igor Leshchenya ngày 18-8 cho biết ông đã nộp đơn từ chức nhưng hiện chưa rõ yêu cầu của ông đã được Tổng thống Lukashenko chấp thuận hay chưa, theo hãng tin AP.

Về phần mình, ứng viên Tsikhanouskaya, vợ của một nhà hoạt động bị cấm tranh cử, đã lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ bà “đứng lên trong hòa bình” nhằm chống lại một “hệ thống đã mục nát” ở Belarus.

Trong khi đó, ông Lukashenko cho rằng những cuộc biểu tình rầm rộ là do bên ngoài kích động. Hãng thông tấn chính thức của Belarus - Belta đã đăng tải video lên án những người biểu tình “sẵn sàng bán nước với giá 20 USD”.

Ông nói với Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus rằng quân đội đã ở trong “tình trạng báo động hoàn toàn” tại biên giới phía tây đất nước, mô tả các vấn đề trong nước như một phần của “mối đe dọa bên ngoài”.

Hiện mọi chú ý đề đổ dồn về phía Nga, một đồng minh mạnh của Belarus. Ngày 18-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo hai người đồng cấp Đức và Pháp rằng bất kỳ nỗ lực nào của nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus sẽ phản tác dụng, theo đài RT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm