Bất ngờ tìm thấy 'Trái Đất thứ hai'

Đây là hành tinh đầu tiên có kích cỡ tương đương Trái Đất được tìm thấy trong khu vực có thể sinh sống được quanh một ngôi sao, tương tự như Trái Đất trong hệ Mặt trời.
Mặc dù NASA chưa khẳng định được hành tinh này có cấu tạo cứng hay có không khí và nước như hành tinh chúng ta đang sinh sống, đây là hành tinh giống nhất từng tìm thấy.

“Hôm nay, Trái Đất đã đỡ cô đơn hơn một chút”, nhà nghiên cứu Jon jenkins trên tàu Kepler hóm hỉnh.

Hành tinh mới tìm được sẽ có nước trên bề mặt và núi lửa? Ảnh minh họa. Nguồn: Google Images.

Hành tinh mới tìm được này được đặt tên là Kepler-452b, cách hành tinh của chúng ta 1400 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Cygnus. Theo NASA, Kepler-452b to hơn Trái Đất khoảng 60%, và tọa lạc trong một khu vực có khả năng sinh sống quanh ngôi sao mẹ – tức nơi có khả năng có nguồn nước dạng lỏng nuôi dưỡng sự sống trên bề mặt hành tinh.
Cư dân nơi đây sẽ phải chịu trọng lực mạnh gấp đôi Trái Đất, song các nhà khoa học hành tinh cho rằng khả năng hành tinh mới có bề mặt cứng là rất khả dĩ.
Mặc dù khoảng cách từ hành tinh đến ngôi sao mẹ xa hơn từ Trái Đất đến Mặt Trời, song ngôi sao này cũng sáng hơn, do vậy lượng năng lượng hành tinh nhận được từ ngôi sao cũng tương đương Trái Đất nhận từ Mặt Trời. Ông Jenkins còn cho biết ánh sáng mặt trời nơi này cũng tương tự như trên Trái Đất.
Cũng theo ông, hành tinh này “gần như chắc chắn có bầu khí quyển”, dù các nhà khoa học không dám chắc cấu tạo của nó ra sao. Song ông cho biết nếu giả thuyết của các nhà địa chất học hành tinh là đúng, thì bầu khí quyển này sẽ dày hơn lớp khí quyển trên Trái Đất, đồng thời có nhiều núi lửa hoạt động.
Theo NASA, chu kỳ quỹ đạo của Kepler-452b là 385 ngày, tương đương chu kỳ 365 ngày của Trái Đất. Và do hành tinh này đã cư ngụ tại khu vực này khá lâu, khoảng 6 tỷ năm (trong khi tuổi của Trái Đất là 4,54 tỷ năm), hành tinh mới này đã có thừa thời gian để dung dưỡng cho sự sống.
Theo ông Jenkins, “đây quả là cơ hội đáng kể để sự sống tồn tại, khi tất cả các yếu tố và điều kiện thiết yếu cho sự sống đều tồn tại trên hành tinh mới này”.
Trước khi NASA phát hiện ra hành tinh này, một hành tinh mang tên Kepler-186f cũng được nhận định giống Trái Đất. Hành tinh này lớn hơn Trái Đất gần 10 lần và cách chúng ta 500 năm ánh sáng. Song Kepler-186f chỉ nhận được một phần ba lượng năng lượng ứng với lượng Trái Đất nhận từ Mặt Trời, do vậy nơi đây vào lúc đứng trưa cũng chỉ như buổi chiều tối trên Trái Đất.
Tàu thăm dò Kepler trị giá 600 triệu USD được phóng vào năm 2009 với mục tiêu thăm dò một phần dải Ngân Hà để tìm kiếm các hành tinh có sự sống.

Từ một điểm quan sát thuận lợi cách Trái Đất 64 triệu dặm (gần 103 triệu km), tàu Kepler sẽ quét tìm ánh sáng từ các ngôi sao, tìm trong đó những khu vực ánh sáng đột ngột yếu đi mà mắt thường không thấy được, và tính toán xem có phải đó là một hành tinh vừa đi ngang qua điểm đó không.

Tàu thăm dò vũ trụ Kepler được NASA phóng vào năm 2009 nhằm tìm kiếm các hành tinh mới trong Dải Ngân hà. Nguồn: Wikipedia

Đến nay tàu Kepler đã phát hiện được hơn 1000 hành tinh. Mười hai hành tinh trong số đó, gồm cả Kepler-452b có kích thước chỉ cỡ gấp đôi Trái Đất và nằm trong vùng sự sống trú ngụ được của các ngôi sao mẹ.
Các nhà khoa học đang lập ra nhiều kế hoạch để đến gần hơn mục tiêu tìm thêm các hành tinh mới và khảo sát khí quyển cũng như các thuộc tính khác trên đó.
Cụ thể, NASA dự kiến sẽ phóng một vệ tinh săn hành tinh tên TESS vào năm 2017. Vệ tinh này sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn về kích cỡ, khối lượng và khí quyển của các hành tinh nằm quanh các ngôi sao ở khoảng cách xa.
Năm tiếp theo, NASA sẽ phóng thêm Kính thiên văn Vũ trụ James Webb. Theo đó, hệ thống này sẽ cũng cấp nhiều thông tin đáng giá về các hành tinh khác, như màu sắc, các mùa trong năm, thời tiết và thậm chí là khả năng tồn tại thảm thực vật trên đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm