Bắt giữ con tin ở Bangladesh: 20 người nước ngoài bị IS sát hại

Khoảng 8 giờ sáng 2-7, sau 13 tiếng bao vây và kêu gọi bọn khủng bố đầu hàng nhưng bất thành, lực lượng đặc nhiệm Bangladesh đã quyết định tấn công vào nhà hàng Holey Artisan Bakery tại thủ đô Dhaka.

Bắt sống một tên IS

Các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bắt giữ nhiều con tin bên trong, trong đó có các con tin nước ngoài. Hàng trăm binh sĩ tham gia chiến dịch tấn công giải cứu con tin.

Sau đó, người phát ngôn quân đội Bangladesh thông báo: “Chiến dịch kết thúc. Tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát”.

Người phát ngôn cho biết đã tìm thấy 20 thi thể. Toàn bộ thi thể đều là người nước ngoài, trong đó hầu hết là người Ý và người Nhật, phần lớn bị sát hại hết sức dã man bằng vật sắc.

Trong 13 con tin được giải cứu có ba người nước ngoài gồm một người Nhật và hai người Sri Lanka.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã phát biểu trên truyền hình khẳng định quyết tâm chống khủng bố. Bà cho biết có sáu tên khủng bố bị tiêu diệt và một tên bị bắt sống.

Cảnh sát thông báo có hai cảnh sát thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương.

Cảnh sát bị thương trong đêm 1-7. Ảnh: REUTERS

Bảy doanh nhân Ý bị bắt làm con tin

Nhà hàng Holey Artisan Bakery tọa lạc tại khu phố sang trọng Gulshan ở thủ đô Dhaka. Đây là địa chỉ quen thuộc của các nhà ngoại giao và người nước ngoài. Nhà hàng sử dụng 15-20 nhân viên.

Vụ nổ súng và bắt giữ con tin xảy ra lúc 21 giờ 20 tối 1-7. Cố vấn của thủ tướng Bangladesh Gowher Rizvi cho biết ban đầu các nhân viên bảo vệ nhận thấy có nhiều người trang bị súng ống bên trong trung tâm y tế gần đó. Lúc họ đến gần định kiểm tra thì bọn người này lùi vào trong nhà hàng cố thủ.

Các nhân chứng cho biết gần 10 tên tấn công nhà hàng. Chúng hô to câu “Allahu Akbar” (“Thượng đế vĩ đại”) rồi xả súng và ném lựu đạn.

Lực lượng đặc nhiệm của bộ binh và hải quân đã được triển khai bao vây nhà hàng. Giao tranh đã diễn ra giữa bọn IS ở bên trong và lực lượng bao vây bên ngoài.

Ngay sau đó, Đại sứ quán Ý tại Bangladesh xác nhận có bảy doanh nhân Ý bị bắt làm con tin.

Một nhân viên nhà hàng thoát ra ngoài nói với đài truyền hình địa phương khi bọn tấn công nổ súng, trong nhà hàng có khoảng 20 người khách và hầu hết là người nước ngoài.

IS và Al Qaeda cạnh tranh

Từ ba năm nay, các phần tử Hồi giáo cực đoan bị nghi ngờ đứng sau các vụ sát hại các nhà trí thức, người nước ngoài, người chủ trương thế tục, các nhân vật thuộc tôn giáo thiểu số (Công giáo, Ấn giáo, Hồi giáo dòng Shiite…) hay người bảo vệ người đồng tính.

Sự việc bắt đầu vào đầu năm 2013, hàng ngàn người đã tuần hành tại quảng trường thủ đô đòi kết án tử hình các phần tử thuộc đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami bị kết án phạm tội ác chống loài người trong chiến tranh giành độc lập năm 1971. Những người biểu tình cũng yêu cầu cấm đảng Jamaat-e-Islami hoạt động.

Tổ chức cực đoan Hefazat-e-Islam phụ trách hàng ngàn trường thần học Hồi giáo ở Bangladesh đã phản ứng bằng cách đưa học viên xuống đường biểu tình đòi xử “bọn vô thần”.

Sau đó, 10 người viết blog và nhà văn đã bị các nhóm có liên hệ với Al Qaeda sát hại bằng búa. Chúng đã lập một danh sách cần sát hại gồm 84 người bị buộc tội phỉ báng Hồi giáo.

Kế tiếp IS nhảy vào cuộc chiến săn lùng những người ủng hộ thế tục. Năm ngoái đã có hai người nước ngoài bị sát hại gồm Hoshi Kunio người Nhật và Cesare Tavella người Ý.

Bangladesh không thừa nhận có IS

IS và Al Qaeda đã từng lên tiếng nhận trách nhiệm một số vụ, tuy nhiên chính phủ Bangladesh lại bác bỏ với lý do IS và Al Qaeda không có chân rết tại Bangladesh.

Chính phủ cho rằng thủ phạm là bọn Hồi giáo cực đoan địa phương mà hậu thuẫn là đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) đối lập và các đồng minh Hồi giáo.

Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Kahn chỉ trích đảng Dân tộc Bangladesh có liên can đến các vụ sát hại nêu trên. Thậm chí ông cho rằng đây là âm mưu gây rối quốc tế, trong đó có cả bàn tay của tình báo Mossad của Israel.

Tháng trước, Bangladesh đã mở chiến dịch truy quét các tổ chức thánh chiến trên cả nước. Hơn 11.000 nghi can bị bắt. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền lại cho rằng chiến dịch truy quét chỉ nhằm trấn áp phe đối lập chính trị. Các chuyên gia nhận xét chính không khí chính trị ở Bangladesh đã tạo điều kiện cho Hồi giáo cực đoan lợi dụng.

IS lên tiếng nhận trách nhiệm ngay

Không lâu sau khi nhà hàng bị tấn công, hãng tin Amaq của IS đã đưa tin IS nhận trách nhiệm vụ nổ súng và bắt giữ con tin. Amaq phát tin trên mạng xã hội: “Các biệt kích của IS đã tấn công một nhà hàng thường có người nước ngoài lui tới ở TP Dhaka (Bangladesh)”. Bản tin khẳng định vụ tấn công đã làm hơn 20 người thuộc nhiều quốc tịch thiệt mạng và nhiều con tin bị bắt giữ.

Vài giờ sau vụ nổ súng, hãng tin Amaq đưa một số hình ảnh chụp được cho là thi thể của các con tin. Tại Mỹ, Bộ Ngoại giao khẳng định đây là vụ bắt giữ con tin. Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đang theo sát tình hình. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Seiji Kihara cùng tổ chuyên gia đã lên đường sang Bangladesh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm