Bất chấp Trung Quốc, Philippines nêu vấn đề biển Đông ở hội nghị ASEM

Tham dự hội nghị có 30 nước châu Âu, 21 nước châu Á và hai tổ chức Liên minh châu Âu và ASEAN. Trước khi hội nghị khai mạc, các nhà lãnh đạo đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tấn công bằng xe tải ở Nice (ảnh).

Hội nghị cấp cao ASEM là diễn đàn quốc tế đầu tiên diễn ra sau khi Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về biển Đông. Phán quyết đã khẳng định “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Trước hội nghị, Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu không đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông vào hội nghị ASEM vì “đó không phải là nơi thích hợp để nói”. Dù vậy, báo Inquirer (Philippines) đưa tin phát biểu tại hội nghị ASEM ngày 15-7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay Jr vẫn nêu ra vấn đề tranh chấp biển Đông.

Ông lặp lại tuyên bố trước đó về phán quyết trọng tài: “Philippines khẳng định mạnh mẽ tôn trọng quyết định lịch sử này như một nỗ lực góp phần quan trọng vào việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông”. Ông đã kêu gọi các bên thể hiện thái độ kiềm chế. Ông khẳng định Philippines đánh giá cao các biện pháp phục hồi lòng tin giữa các bên trong khu vực.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin bên lề hội nghị cấp cao Á-Âu ở Ulan Bator, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã trao đổi với Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini.

Ông Vương Nghị tiếp tục khẳng định quan điểm của Trung Quốc là không chấp nhận và không tham gia vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc. Ông khăng khăng cho rằng vụ kiện trọng tài về biển Đông là “trò thao túng chính trị” và tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines phải được giải quyết qua đàm phán và tham vấn.

Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin tối 14-7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết đã đề nghị cựu Tổng thống Fidel Ramos sang Trung Quốc giúp đỡ thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp biển Đông.

Ông Rodrigo Duterte còn nói chiến tranh không phải là giải pháp và ông muốn tiếp tục đàm phán song phương như một giải pháp giải quyết tranh chấp. Ông Fidel Ramos không cho biết có chấp nhận yêu cầu hay không.

Song song theo đó, ngày 14-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã kêu gọi Úc không nên xem phán quyết “bất hợp pháp” của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc là luật pháp quốc tế. Trước đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố Trung Quốc sẽ phải chịu mất mát lớn về uy tín nếu không tôn trọng phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm