Báo TQ nêu nhân tố tại Thái Bình Dương cản trở Bắc Kinh tấn công Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post ngày 25-9 dẫn ấn phẩm mới nhất của tạp chí Naval and Merchant Ships nhận định các cuộc tập trận gần đây của lực lượng không quân Trung Quốc ở Biển Đông được thiết kế nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn các quân đội khác viện trợ cho Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công.

Naval and Merchant Ships là tạp chí thuộc Tổng Công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) - đơn vị đóng tàu cho hải quân, có trụ sở ở Bắc Kinh.

Mỹ có khoảng 180 chiếc F-22 đang được triển khai trên thực tế. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Theo đó, tạp chí này đã phác thảo một mô phỏng về cách một cuộc tấn công vào Đài Loan có thể diễn ra, đồng thời thừa nhận rằng khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc bị hạn chế vì chuỗi đảo thứ hai - một nhóm đảo chiến lược ở giữa Tây Thái Bình Dương bao gồm căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam, cách Đài Loan khoảng 2.700 km.

Trong trường hợp phạm vi tấn công của quân đội Trung Quốc được mở rộng đến chuỗi đảo thứ hai, một cuộc tấn công vào Guam sẽ là một bước đi không khôn ngoan, vì điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, tạp chí nhận định.

Ngược lại, Mỹ có thể nhanh chóng triển khai các nguồn lực quân sự, bao gồm máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-1B và B-52.

Tuy nhiên, tạp chí này nhận định tình hình có thể sẽ được đảo ngược nếu tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc, được trang bị máy phóng điện từ và máy bay tàng hình, có thể đến gần Hawaii.

"Vào thời điểm đó, vấn đề Đài Loan và tương lai của Tây Thái Bình Dương sẽ không còn liên quan gì Mỹ nữa" – tạp chí nêu.

Tạp chí mô phỏng kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan 

Theo South China Morning Post, tuy thừa nhận những hạn chế hiện tại đối với bất kỳ một cuộc tấn công nào của quân đội Trung Quốc vào Đài Loan, song tạp chí cũng đưa ra một kịch bản có thể xảy ra.

Kịch bản sẽ bắt đầu bằng việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo DF-16 và tên lửa hành trình tấn công mặt đất DF-10A để làm tê liệt các sân bay, hệ thống cảnh báo sớm và các căn cứ tên lửa phòng không.

Sau đó, đợt tấn công tên lửa đầu tiên sẽ được tiếp nối bằng việc máy bay chiến đấu đa năng J-16 phá hủy các sân bay nhỏ và đường cao tốc được cho là đóng vai trò như đường băng cho máy bay quân sự.

Ấn phẩm đánh giá ưu thế trên không sẽ giúp giảm thiểu nguy hiểm cho các binh sĩ quân đội Trung Quốc, vốn trong giai đoạn đó sẽ tiến hành vượt qua eo biển Đài Loan.

Đồng thời, lực lượng tên lửa Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu mặt đất của Đài Loan trong khi lực lượng không quân sẽ điều máy bay chiến đấu tuần tra cách xa 2.000 km với mục đích ngăn chặn máy bay của các quân đội khác đến viện trợ cho hòn đảo.

Tạp chí không đề cập các cuộc phản công có thể xảy ra từ phía Đài Loan, Mỹ hoặc các đồng minh trong khu vực để đáp lại kịch bản mô phỏng trên.

South China Morning Post dẫn lời cựu giảng viên quân sự của quân đội Trung Quốc Song Zhongping nhận định bất kỳ hành động nào liên quan Đài Loan sẽ là một hoạt động phức tạp và tổng lực, không chỉ liên quan các cuộc tấn công mà còn cả về khả năng huy động và hỗ trợ hậu cần.

Theo kênh quân sự của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), lực lượng không quân Trung Quốc hồi đầu tháng 8 đã tiến hành một cuộc tập trận, trong đó các máy bay chiến đấu J-16 đã phóng tên lửa không đối đất và tiến hành các cuộc tấn công ngoài khu vực nhằm vào các mục tiêu mặt đất.

Trước đó, quân đội Mỹ hồi tháng 7 đã tiến hành Chiến dịch Thái Bình Dương Sắt 2021 ở Tây Thái Bình Dương, với sự tham gia của hơn 35 máy bay, trong đó có 25 máy bay chiến đấu tàng hình F-22, 10 máy bay chiến đấu F-15 Strike Eagle và hơn 800 binh sĩ.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất, đồng thời xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ của họ với Mỹ.

Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự và ngoại giao đối với Đài Loan kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lần đầu nhậm chức vào năm 2016, cũng như tìm cách buộc Đài Bắc phải chấp nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trước sự báo động của cả Đài Bắc và Washington.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm