Bạo lực ở Hong Kong: Trung Quốc kiên nhẫn tới đâu?

Phát biểu trước công chúng ngày 27-8, Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết tình trạng bạo lực trong phong trào biểu tình ở đây đang leo thang đến mức báo động. Theo hãng tin Reuters, đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của bà Lam sau khi biểu tình bất ngờ bùng phát dữ đội cuối tuần qua.

Hôm 25-8, cảnh sát Hong Kong đã dùng vòi rồng phun nước và xịt hơi cay để trấn áp đoàn biểu tình, trong khi người biểu tình đáp trả bằng gạch đá và bom xăng. Đáng chú ý, đợt biểu tình này cũng chứng kiến phát súng đầu tiên khi một cảnh sát bắn chỉ thiên cảnh cáo đám đông cầm gậy quá khích.

Bạo lực nhìn từ hai phía

Theo quan sát của hãng tin CNN, mục tiêu của những người biểu tình ở Hong Kong bây giờ không còn liên quan gì đến dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc (TQ) đại lục như ban đầu. Thay vào đó, phong trào trực tiếp nhắm vào toàn bộ quan điểm, chính sách của chính quyền đặc khu và gián tiếp là chính quyền TQ. Cho tới thời điểm hiện tại, những người biểu tình đã phớt lờ mọi kêu gọi của chính quyền Hong Kong chấm dứt biểu tình nhằm tránh ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của TP.

Hãng tin Reuters cho hay một loạt cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trong tuần tới. Lãnh đạo Hong Kong cho đến nay vẫn từ chối đáp ứng năm yêu cầu của người biểu tình, bao gồm rút lại dự luật dẫn độ hoàn toàn, mở điều tra độc lập về hành động trấn áp của cảnh sát, ngừng gọi phong trào biểu tình là bạo loạn, không buộc tội những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị.

Ghi nhận tại đợt biểu tình ngày 25-8, tờ The Guardian cho biết một số người tham gia khẳng định họ không hề muốn sử dụng bạo lực nhưng đó là cách duy nhất để chính quyền Hong Kong chịu lắng nghe tiếng nói của người dân. “Những diễn biến leo thang hiện tại chỉ là sản phẩm của thái độ thờ ơ của chính quyền bà Carrie Lam đối với nhân dân Hong Kong” - anh Rory Wong, một người biểu tình, nói.

Trong khi đó, ông Dong Wong, một người dân sống gần khu vực diễn ra biểu tình, chia sẻ: “Tôi sống ở tầng 15 mà tôi phải ngửi khí cay mỗi ngày. Tôi nuôi bốn con chó và con nào cũng hắt hơi suốt. Người biểu tình không làm gì sai cả, họ chỉ hành động như thế để tự vệ thôi”.

Đài CNA nêu hai lý do khiến chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh không khỏi lo ngại trước những sự thay đổi của phong trào biểu tình Hong Kong.

Cảnh sát Hong Kong chĩa súng vào người biểu tình hôm 25-8. Ảnh: AP

Thứ nhất, chính phủ TQ và chính quyền Hong Kong lo sợ những lực lượng ở Hong Kong sẽ chủ trương thiết lập một lãnh thổ không phụ thuộc vào TQ và sẽ tăng cường biểu tình phản đối quyết liệt, thậm chí không ngại sử dụng đến bạo lực. Điều này vô hình trung sẽ biến Hong Kong thành điểm nóng xung đột trong khu vực và thế giới. Với một Hong Kong càng bất an và bất ổn, những nước khác sẽ lên tiếng gây sức ép và làm khó TQ, đẩy vấn đề vốn dĩ là chuyện nội bộ giữa Hong Kong và TQ theo quan điểm của Bắc Kinh thành một sự kiện chung.

Thứ hai, phe biểu tình đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp dân cư trong xã hội Hong Kong và dư luận quốc tế. Nếu tiếp diễn, những đợt biểu tình phản đối này không những tiếp tục mà còn sẽ gia tăng cả về quy mô lẫn bạo lực. Việc buộc chính quyền Hong Kong phải từ bỏ ý định thông qua luật dẫn độ là một chiến thắng bước đầu cho người biểu tình và phong trào này nhiều khả năng sẽ đạt được thêm nhiều sự nhượng bộ nữa nếu không dập tắt kịp thời. Tệ hơn, theo thời gian, mọi cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hong Kong cũng sẽ đồng thời là cuộc biểu tình phản đối TQ.

Trong ngày 26-8, lãnh đạo Hong Kong đã tổ chức một cuộc họp kín với khoảng 20-30 người trẻ. Bà Carrie Lam họp trong một giờ, trong khi các quan chức khác ở lại thêm ba giờ nữa. Cuộc họp diễn ra hai tháng sau khi các hiệp hội sinh viên Hong Kong từ chối đề nghị đối thoại của bà Lam. 

Bắc Kinh sẽ kiên nhẫn đến khi nào?

Trong phát biểu ngày 27-8, bà Carrie Lam nhấn mạnh chính quyền Hong Kong có thể tự giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay mà không cần sự trợ giúp từ chính quyền đại lục. Trưởng đặc khu cũng khẳng định không từ bỏ nỗ lực tạo dựng một nền tảng cho đối thoại giữa chính quyền và người biểu tình.

Trong một bài xã luận đăng hôm 25-8, Tân Hoa xã cứng rắn cảnh báo nếu biểu tình không có dấu hiệu lắng xuống, Bắc Kinh sẽ buộc phải can thiệp. “Điều này không chỉ nằm ở khả năng và quyền hạn của chính quyền trung ương mà còn là trách nhiệm của Bắc Kinh” - bài báo nêu rõ. Ngày 12-8, hàng trăm xe bọc thép của quân đội TQ bị phát hiện tập trung ở một sân vận động ở TP Thâm Quyến, đối diện Hong Kong.

Theo GS Willy Lam thuộc ĐH Hong Kong, nếu người biểu tình tiếp tục duy trì mức độ bạo lực như hiện tại, Bắc Kinh sẽ có lý do chính đáng đưa quân vào Hong Kong, truyền thông TQ đồng thời cũng sẽ có thứ để công kích phong trào.

“Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng như các thiệt hại về tài sản rồi sẽ khiến dư luận xã hội quay lưng với họ” - tờ The Nikkei dẫn lời ông Lam cho biết. Chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng Bắc Kinh đang chờ đợi để đưa quân vào một khi phong trào biểu tình bị nhiều người dân Hong Kong phản đối.

Ông Kenneth Ka-Lok Chan, PGS ĐH Baptist (Hong Kong), cho rằng Bắc Kinh trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục hậu thuẫn chính quyền Hong Kong tăng cường đối phó người biểu tình. “Họ phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng cảnh sát Hong Kong để khôi phục luật pháp và trật tự, vì vậy cảnh sát sẽ được tiếp sức hơn nữa để quyết liệt đấu tranh” - ông Chan nhận xét.

Trung Quốc phản đối tuyên bố của nhóm G7 về Hong Kong

Theo hãng tin AP, Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tại Pháp hôm 26-8 đã đưa ra tuyên bố chung. Trong đó, nhóm này bày tỏ sự ủng hộ quyền tự trị của Hong Kong theo thỏa thuận năm 1984 và kêu gọi kiềm chế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng sau đó lên tiếng chỉ trích tuyên bố trên cho thấy G7 muốn can thiệp Hong Kong và “nuôi dưỡng ý đồ xấu”. “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hong Kong là vấn đề nội bộ của TQ. Không chính phủ, tổ chức hay cá nhân nước ngoài nào có quyền can thiệp. Không ai quan tâm đến sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong hơn người dân TQ, trong đó có người Hong Kong” - ông Cảnh cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm