Báo Asahi: Nhật cân nhắc ngừng viện trợ ODA cho Myanmar

Báo Asahi Shimbun (Nhật) dẫn nhiều nguồn tin chính phủ cho biết Nhật đang hoàn thiện các kế hoạch nhằm ngừng cung cấp viện trợ phát triển mới cho Myanmar, hãng tin Reuters ngày 25-2 đưa tin.

Đông thái này diễn ra trong bối cảnh các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt và đe dọa sẽ có thêm hành động với Myanmar liên quan cuộc chính biến hôm 1-2 tại nước này.

Người Myanmar tại Nhật biểu tình phản đối chính biến ở quê hương. Ảnh: AP

Theo các nguồn tin, chính phủ Nhật sẽ không coi việc ngưng nguồn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Myanmar là một "biện pháp trừng phạt", và sẽ nỗ lực thuyết phục chính quyền quân đội đạt được một giải pháp dân chủ thông qua đối thoại.

Trả lời câu hỏi về thông tin chính phủ Nhật có thể ngừng viện trợ cho Myanmar, Chánh văn phòng Nội các Nhật - ông Katsunobu Kato cho biết: "Chưa có sự xác thực về thông tin trên". Tuy nhiên, ông Kato vẫn để ngỏ khả năng chính phủ có thể thay đổi chính sách.

“Về hỗ trợ kinh tế cho Myanmar, chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận tình hình mà không gây tổn hại và sẽ cân nhắc các lựa chọn” – ông Kato nói trong một cuộc họp báo.

Hãng thông tấn Kyodo News cũng trích dẫn các nguồn chính phủ đưa tin chính phủ Nhật đang xem xét việc ngừng viện trợ mới cho Myanmar.

Nhật, từ lâu đã có quan hệ chặt chẽ với Myanmar, hạn chế đưa ra lập trường cứng rắn đối với chính quyền Myanmar, ngay cả khi cuộc chính biến ngày 1-2 khiến Mỹ và các nước khác lên án và áp đặt các trừng phạt.  

Theo Asahi Shimbun, Nhật là “nhà tài trợ lớn” cho Myanmar và các tập đoàn lớn của Nhật những năm gần đây đã tích cực thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh ở đây, với hơn 430 doanh nghiệp đang hoạt động tại Myanmar.

Theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Nhật, tổng vốn viện trợ ODA của Nhật cho Myanmar trong năm tài khóa 2019 đạt khoảng 1,56 tỉ USD.

Nhật cũng lo ngại rằng việc Myanmar bị cô lập trên trường quốc tế, cũng như quan hệ song phương Nhật – Myanmar suy yếu có thể sẽ đẩy nước này xích lại gần Trung Quốc.

Ngày 24-2, Ngoại trưởng Myanmar do quân đội nước này bổ nhiệm - ông Wunna Maung Lwin - đã đến tham dự cuộc hội đàm tại Thái Lan, trong khi các nước láng giềng đang tăng cường nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.

Ông Wunna Maung Lwin - một đại tá về hưu, từng là ngoại trưởng Myanmar từ năm 2011 đến 2016 - đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Thái Lan và Indonesia về các nỗ lực ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong khi đó làn sóng biểu tình phản đối cuộc chính biến ở quốc gia này vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước đó, ngày 23-2, ngoại trưởng nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật đã ra tuyên bố nói rằng việc sử dụng đạn thật nhắm vào người biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar là không thể chấp nhận được và rằng thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Mỹ hôm 22-2 đã áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với hai tướng quân đội Myanmar, đều là hai thành viên trong Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, và cảnh báo sẽ có những hành động tiếp theo liên quan cuộc chính biến hôm 1-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm