Bàn về triển vọng hợp tác Nga-Trung ở Trung Á sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan

Theo các nhà quan sát, mối lo ngại chung về tình trạng bất ổn ở Trung Á có thể thúc đẩy Trung Quốc và Nga tiến tới hợp tác chống khủng bố chặt chẽ hơn sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Hiện Taliban đã nắm quyền kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Afghanistan - quốc gia có đường biên giới dài với khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), tờ South China Morning Post đưa tin.

Các quân nhân chuẩn bị trang thiết bị cho cuộc diễn tập quân sự chung của lực lượng Trung Quốc và Nga tại khu tự trị Ninh Hạ. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo ông Zhou Chenming - một nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang, Trung Quốc lo ngại các lực lượng cực đoan và khủng bố ở Trung Á sẽ nhân cơ hội Mỹ rút quân để tiến hành các cuộc tấn công vào Tân Cương hoặc các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực.

Chuyên gia Zhou nhận định điều mà Trung Quốc lo ngại là sự phát triển của Phong trào Hồi giáo Turkistan (ETIM), cũng như việc làm thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trong khu vực - vốn là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ước tính có khoảng 1 triệu công dân Trung Quốc sống ở 5 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Những người này hầu hết đều có hoạt động kinh doanh nhỏ ở khu vực.

Theo ông Zhou, Trung Quốc có một lựa chọn là hợp tác với Nga - một nước láng giềng và là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Bắc Kinh đứng đầu.

Mặc dù không phải là đồng minh chính thức, các lực lượng của Trung Quốc và Nga đã có mối quan hệ bền chặt trong nhiều năm. Gần đây nhất, hai nước đã có cuộc tập trận chung tại sa mạc Gobi thuộc khu tự trị Ninh Hạ. Cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 10.000 quân.

Ngày 11-8, quân đội Trung Quốc cho biết cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng tích hợp của mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, tình báo và thông tin chiến trường của quân đội hai nước. Họ cũng cho biết đây là lần đầu tiên quân đội Nga được tiếp cận với một loạt các hệ thống vũ khí do Trung Quốc sản xuất và phát triển, từ máy bay đến xe bọc thép.

Ông Su Chang - chuyên gia về Nga-Trung của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết Afghanistan phải đối mặt với một tương lai an ninh khó khăn hơn, ngay cả sau ba thập kỷ xung đột. Điều này có thể khiến Trung Quốc và Nga có lý do để làm việc cùng nhau.

Theo ông Su, trong bối cảnh bàn giao quyền lực, việc truy quét nạn buôn lậu ma túy tràn lan, các cuộc tấn công bằng sói đơn độc, và các tội ác khác liên quan các lực lượng cực đoan và khủng bố sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ông nhận định đây là những vấn đề rất thực tế thúc đẩy Trung Quốc và Nga hợp tác về an ninh. Nga cần duy trì an ninh và kiểm soát ma túy ở sân sau của mình, trong khi Trung Quốc nên ngăn ETIM xâm nhập vào Tân Cương.

Theo chuyên gia Eagle Yin - một thành viên nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Trung Quốc, Bắc Kinh nên hợp tác với Taliban ở Afghanistan và Nga.

Dù coi Taliban là một tổ chức khủng bố nhưng Nga đã công khai giao dịch với nhóm này và tiếp một phái đoàn Taliban vào năm 2018.

Ông Yin cho biết cả Bắc Kinh và Moscow đã đạt được sự đồng thuận trong việc phối hợp và hợp tác. Theo ông, với tư cách là đối tác thương mại chính của các quốc gia Trung Á, Trung Quốc có thể tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế và Nga có thể tập trung nhiều hơn vào an ninh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm