Bàn cờ Ai Cập không chỉ hai người chơi

Trên bàn cờ Ai Cập không chỉ là cuộc đối đầu giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo mà thế giới Hồi giáo cũng phân chia thành hai phe đối nghịch nhau như báo Kommersant (Nga) ngày 19-8 nhận định.

Một bên gồm Saudi Arabia và các đối tác vùng Vịnh ủng hộ quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Mohamed Morsi. Bên còn lại với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ lên án quân đội Ai Cập âm mưu lật đổ và đàn áp biểu tình.

Đối với Saudi Arabia, trên bàn cờ Ai Cập, quan điểm địa-chính trị phải lấn át yếu tố tôn giáo. Saudi Arabia là quốc gia Hồi giáo nhưng không ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập mà đứng về phía quân đội cổ súy xu hướng thế tục. Nguyên nhân cũng bởi tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập là cánh hẩu của Qatar.

Bàn cờ Ai Cập không chỉ hai người chơi ảnh 1

Cuộc đối đầu giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Biếm họa của KAP (báo La Vanguardia của Tây Ban Nha)

Trong thế giới Ả Rập, Qatar là đối thủ chiến lược ngấp nghé giành vai trò đầu tàu với Saudi Arabia. Hai nước so kè nhau đến nỗi cùng ngày 18-8 tại Paris (Pháp), trong khi Ngoại trưởng Laurent Fabius đang đón tiếp ngoại trưởng Qatar thì tại dinh tổng thống, Tổng thống François Hollande trò chuyện với ngoại trưởng Saudi Arabia.

Trước đây chế độ của Tổng thống Morsi sống chủ yếu bằng tiền viện trợ của Qatar. Sau khi Morsi bị phế truất, Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất lập tức nhất trí viện trợ khẩn cấp cho Ai Cập 12 tỉ USD.

Ở phía ngược lại, Qatar tiếp tục xem Tổng thống Morsi là lãnh đạo hợp pháp của Ai Cập. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã lâm vào khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Hai bên không ngừng tố cáo lẫn nhau, triệu hồi đại sứ và hủy tập trận hải quân vào tháng 10 tới.

Một điều khó ngờ là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ lại có hai đồng minh ngoài mong đợi. Đó là Taliban và Al Qaeda. Từ Afghanistan, Taliban đòi đưa Tổng thống Morsi trở lại cầm quyền ở Ai Cập và lên án quân đội Ai Cập sử dụng vũ lực đàn áp người biểu tình hòa bình.

Al Qaeda chẳng những tuyên bố ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập mà thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri còn khẳng định đấu tranh chống chính quyền Ai Cập đã trở thành chuyện nhà. Lý do là Ayman al-Zawahiri có em trai tên là Mohamed al-Zawahiri cầm đầu phong trào thánh chiến Hồi giáo ở Ai Cập. Tuần trước, Mohamed al-Zawahiri đã bị bắt.

Trong bối cảnh diện mạo ngoại giao của Trung Đông thay đổi vì tình hình đảo chính và trấn áp biểu tình ở Ai Cập, báo Le Monde (Pháp) nhận định rõ ràng kẻ thua đậm là Qatar.

Cách đây một năm, Qatar còn là ngọn đèn pha trong các nước Hồi giáo dòng Sunni. Nay tất cả như nước chảy qua cầu! Có lẽ thấu hiểu tình hình nên ngày 25-6, quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani đã thoái vị sau 18 năm trị vì và truyền ngôi cho con trai. Sau đó, hoạt động ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo của Qatar trở nên âm thầm hơn.

Ngược lại, người thắng chính là Saudi Arabia. Hiện nay, ngoài đóng góp viện trợ cho Ai Cập, Saudi Arabia tiếp tục bành trướng ảnh hưởng bằng cách ngấm ngầm ủng hộ Liên minh Dân tộc Syria, cánh chủ chốt trong phe đối lập Syria.

- Nhà Trắng thông báo ngày 20-8 (giờ địa phương), Tổng thống Obama đã thảo luận với Hội đồng An ninh quốc gia về tình hình viện trợ cho Ai Cập. Nhà Trắng khẳng định đến nay Mỹ chưa có quyết định nào về việc ngừng viện trợ cho Ai Cập. Trước đó, trang web The Daily Beast đưa tin khoản viện trợ của Mỹ cho Ai Cập 1,5 tỉ USD/năm đã bị Mỹ bí mật cắt. Trong số này có 1,3 tỉ USD là viện trợ quân sự.

- Ngày 21-8, không chờ đợi Liên minh châu Âu có quyết định chung, Đức và Ý đã tuyên bố đơn phương ngưng xuất khẩu vũ khí sang Ai Cập.

- Ngày 20-8, trả lời đài truyền hình Mỹ ABC News, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem el-Beblawi cảnh báo Mỹ sẽ phạm sai lầm nếu ngưng viện trợ quân sự cho Ai Cập. Ông nói: “Đừng quên Ai Cập đã sống với viện trợ quân sự của Nga và chúng tôi đã sống được. Vậy đâu có phải đến ngày tận thế đâu và chúng tôi có thể sống trong nhiều bối cảnh khác nhau”. Ông tiếc cho bất đồng hiện nay giữa Mỹ và Ai Cập và hy vọng căng thẳng rồi sẽ qua.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm