Bài học lộ trình mở cửa lại: Tokyo-mức đóng mở theo khu khẩn cấp, bán khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới nới lỏng giãn cách sau thời gian áp dụng nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, báo Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu loạt bài về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội ở một số đô thị có nhiều đặc trưng khá tương đồng với TP.HCM.

Bài thứ năm, chúng tôi giới thiệu lộ trình, cách thức thực hiện của thủ đô Tokyo (Nhật).

Ngoài việc là thủ đô của đất nước mặt trời mọc, Tokyo còn là đô thị đông dân nhất thế giới với hơn 14 triệu người sinh sống tính đến năm 2020. Theo trang Tokyo Metropolitan Government, kể từ đầu dịch, đô thị này đã ghi nhận tổng cộng 365.216 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.645 ca tử vong. Các con số này khiến cho Tokyo trở thành khu vực có số lượng ca nhiễm nhiều nhất nước.

Bối cảnh dịch bệnh và tình trạng tiêm chủng

Hiện Tokyo đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ năm. Vào tuần đầu tiên của tháng 8, Tokyo ghi nhận trung bình 3.893 ca mắc mới mỗi ngày. Con số này đã tăng lên ở các tuần tiếp theo lần lượt là 4.231, 4.719 và 4.696 ca. Số ca mắc mới trung bình của tháng 8 là gần 4.052 ca. 

Sự gia tăng các ca nhiễm bệnh đã vượt quá khả năng y tế của Tokyo, gây ra tình trạng thiếu nhân viên y tế và không đảm bảo đủ giường bệnh. Đến nửa cuối tháng 8, chính quyền Tokyo đặt mục tiêu bổ sung thêm 600 giường bệnh tại thủ đô, nâng tổng số lên 7.000 giường, đồng thời yêu cầu các trường y cử người đến hỗ trợ cho các cơ sở y tế trên địa bàn, theo tờ The Japan Times.

Người dân Tokyo mang khẩu trang khi ra đường. Ảnh: AP

Tờ The Mainichi đưa tin thủ đô Nhật đã ghi nhận 3.168 ca mắc mới hồi 1-9, tuy nhiên đến ngày 10-9, con số ngày đã giảm đáng kể với 1.242 ca, đánh dấu 19 liên tiếp số ca mắc mới ở thủ đô giảm. Tokyo có trung bình 2.231 ca mắc mới mỗi ngày trong tuần đầu tiên của tháng 9, thấp hơn nhiều so với tháng 8.

Để đối phó đại dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta, chính quyền Tokyo đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hạn chế, phòng dịch nghiêm ngặt, cũng như xúc tiến chương trình tiêm chủng. Dựa trên số liệu thống kê của trang Statista.com, tính đến ngày 1-9, có 51,76% dân số thủ đô đã tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19, và 39,3% dân số tiêm đầy đủ hai mũi.

Cách Tokyo chia cấp độ dịch

Dựa trên hệ thống cảnh báo dịch bệnh bốn cấp độ, chính quyền Tokyo phân chia các vùng dịch thành 3 nhóm chính: nhóm tuyên bố tình trạng khấn cấp (ứng với cấp độ 4); nhóm có áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan (ứng với cấp độ 3); và nhóm không áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan và tình trạng khẩn cấp (ứng với cấp độ 1 và 2). 

Theo tờ Asahi Shimbun, nhóm khu vực tuyên bố tình trạng khẩn cấp (cấp độ 4) được xếp dựa trên tiêu chí: Độ bao phủ giường bệnh do bệnh nhân COVID-19 từ 50% trở lên; trong số 100.000 người sẽ có hơn 25 người bị nhiễm bệnh; tỉ lệ ca mắc mới trung bình bảy ngày từ 10% trở lên; và số lượng ca nhiễm không rõ nguồn gốc nằm ở mức 50% hoặc hơn. 

Nhóm có áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan (bán khẩn cấp, ứng với cấp độ 3) được xếp dựa trên tiêu chí: Tỉ lệ lấp đầy giường bệnh từ 20% trở lên; trong số 100.000 người sẽ có hơn 15 người bị nhiễm bệnh; tỉ lệ ca mắc mới trung bình bảy ngày từ 10% trở lên; và số lượng ca nhiễm không rõ nguồn gốc nằm ở mức 50% hoặc hơn.

Các trường hợp còn lại sẽ được xếp vào nhóm không áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan và tình trạng khẩn cấp (ứng với cấp độ 1 và 2).

Về quy trình dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật, tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ nếu như số ca nhiễm lũy kế trong tuần giảm và phải dưới 5 người trên 1 triệu người, tỉ lệ bệnh trở nặng có chiều hướng giảm và đối chiếu với tình hình giường bệnh, có các biện pháp ứng phó khi số ca bệnh đột ngột tăng trở lại, và liên tục triển khai xét nghiệm PCR cho người dân.

Chính sách giãn cách xã hội ở Tokyo

Theo trang corona.go.jp, ở từng cấp độ, chính quyền Tokyo đã áp dụng chính sách giãn cách phù hợp đối với từng khía cạnh như các quy định về đóng mở cửa các hoạt động kinh doanh, các hạn chế về đi lại, và dịch vụ thiết yếu, hội họp.

Về dịch vụ thiết yếu, thực phẩm chuỗi cung ứng: Ở khu vực khẩn cấp và bán khẩn cấp,  các hoạt động ăn uống tại nhà hàng sẽ bị hạn chế, các cửa hàng ăn uống phục vụ tại chỗ được yêu cầu đóng cửa trước 20 giờ. Đối với khu vực không khẩn cấp và bán khẩn cấp, các hoạt động được phép diễn ra bình thường, các yêu cầu về thời gian hoạt động nhà hàng sẽ được nới lỏng dần.

Về hoạt động sản xuất, công sở, trường học: Các khu vực đều được yêu cầu áp dụng biện pháp làm việc từ xa. Các khu vực khẩn cấp và bán khẩn cấp được yêu cầu doanh nghiệp giảm 70% số lượng nhân viên làm việc tại công ty, sắp xếp trật tự người ra vào cổng. Doanh nghiệp tại khu vực khẩn cấp sẽ phải dừng hoạt động trước 20 giờ.

Về tổ chức sự kiện hội họp: Đối với khu vực khẩn cấp, hoạt động sự kiện chỉ được tổ chức trước 21, với tối đa sức chứa dưới 50% (nhưng không quá 5.000 người). Khu vực bán khẩn cấp quy định các đơn vị tổ chức sự kiện tuân thủ điều kiện quy mô và giới hạn mà địa phương ban hành (dưới 5.000 người, v.v…). Các khu vực còn lại yêu cầu đơn vị tổ chức phải đảm bảo quy mô tối đa 5.000 người hoặc dưới 50% quy mô nơi tổ chức (nhưng không quá 10.000 người). Bên cạnh đó, cần đảm bảo tuân thủ các yêu cầu hạn chế về thời gian theo quy định của địa phương, cũng như luôn chấp hành đúng, đủ các biện pháp phòng dịch.

Về hạn chế tụ tập, di chuyển: Ở khu vực khẩn cấp, hạn chế ra ngoài và di chuyển khi không cần thiết kể cả vào ban ngày. Đặc biệt, vui lòng thực hiện triệt để hạn chế ra ngoài khi sau 20 giờ nếu không cần thiết, không tụ tập uống rượu tại công viên, đường đi,... tránh tập trung đông đúc, hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các tỉnh thành khi không cần thiết (trường hợp buộc phải di chuyển, người dân cần tự giác xét nghiệm trước hoặc tại nơi đến).
Các hoạt động bao gồm điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế, mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc men, các hoạt động cần thiết trong việc duy trì cuộc sống và sức khỏe (tập thể dục, đi bộ ngoài trời,...) được phép thực hiện.

Ở khu vực bán khẩn cấp, người dân được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà sau 20 giờ nếu không cần thiết, không tụ tập uống rượu tại công viên, đường đi, ... Các hoạt động bao gồm điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế, mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc men, các hoạt động cần thiết trong việc duy trì cuộc sống và sức khỏe (tập thể dục, đi bộ ngoài trời,...) được phép thực hiện.

Người dân ở các khu vực khác được khuyến khích hạn chế di chuyển và tụ tập đông người. Trong trường hợp có một số biểu hiện của bệnh sốt, người dân được khuyến cáo hạn chế về quê, hoặc đi lại giữa các khu vực đang có dịch bệnh lây lan.

Về các loại hình kinh doanh không được phép hoạt động: Ở khu vực bán khẩn cấp, chính phủ yêu cầu các cơ sở ăn uống không phục vụ đồ uống có cồn, tuy nhiên tùy tình hình có thể phục vụ đến 19 giờ, các cửa hàng ăn uống được yêu cầu hạn chế sử dụng thiết bị karaoke. Ở khu vực khẩn cấp, các cơ sở karaoke và phục vụ đồ uống có cồn đều bị đóng cửa.

Chính sách hỗ trợ từ chính phủ

Theo công ty kiểm toán KPMG, tính tới thời điểm hiện tại, Nhật đã công bố tổng cộng 3 gói hỗ trợ ứng phó với COVID-19, với tổng trị giá hơn 307.800 tỉ JPY (hơn 2.800 tỉ USD) - chiếm hơn 50% GDP cả nước. Khoảng 3/4 ngân sách được phân bổ cho các hoạt động hỗ trợ việc làm và kinh doanh, phần còn lại phân bổ cho hệ thống y tế và đầu tư công,...

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật sẽ được hỗ trợ vay không lãi suất, với hạn mức vay lên đến 30 triệu JPY (gần 273.000 tỉ USD). Bộ Tài chính cũng thiết lập các chương trình hỗ trợ, cho vay lãi xuất thấp với hạn mức lên đến 720 triệu JPY (gần 6,55 triệu USD) đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân cũng được gia hạn thời gian trả nợ, bảo vệ việc làm và duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam, tất cả người dân sống tại Nhật (kể cả người nước ngoài) sẽ được hỗ trợ 100.000 JPY (hơn 900 USD). Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng cường hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ có thu nhập thấp, giảm hoặc miễn đóng góp an sinh xã hội...


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm