Bài học lộ trình mở cửa lại: London - thận trọng 4 giai đoạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới nới lỏng giãn cách sau thời gian áp dụng nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, báo Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu loạt bài về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội ở một số đô thị có nhiều đặc trưng khá tương đồng với TP.HCM.

Bài đầu tiên, chúng tôi giới thiệu lộ trình, cách thức thực hiện của thủ đô London (Anh).

Tỉ lệ tiêm chủng ở Anh đã đạt mức cao. Tính đến ngày 10-9, gần 48,4 triệu người (89% tổng dân số) đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, và hơn 43,8 triệu người (80,6%) đã được tiêm đủ 2 mũi, theo kênh BBC.

Về thủ đô London, theo trang số liệu từ trang World Population Review, tổng dân số London năm 2021 là 9.425.622 người. Theo số liệu từ trang web chính thức của thành phố, 5.672.013 người đã được tiêm mũi thứ nhất (tương đương 60,1% dân số) và 4.829.918 người đã được tiêm đủ hai mũi (tương đương 51,2%).

Từ ngày 19-7, London chính thức áp dụng các biện pháp nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 để tiến tới mở cửa toàn diện.

Cách Anh chia các cấp độ nguy cơ

Đợt bùng phát dịch đầu tiên ở London bắt đầu từ ngày 19-3-2020. Với số ca nhiễm liên tục tăng (mỗi ngày có khoảng 1.000 ca) và lưu lượng lưu thông so với bình thường dao động từ khoảng 70-80%, ngày 31-3-2020 thành phố tiến hành phong tỏa lần 1 trong vòng một tháng. Sau khi số ca nhiễm xuống mức ổn định (khoảng 100 ca mỗi ngày), London bắt đầu nới lỏng các quy định về giãn cách.

Đến tháng 10-2020, khi số ca mắc mới tăng lên khoảng 1.000 ca mỗi ngày và không có dấu hiệu suy giảm, thành phố quyết định tăng mức độ giãn cách và tiến hành phong tỏa lần 2. Trong nửa cuối tháng 12-2020, London ghi nhận 10.000-15.000 trường hợp mới mỗi ngày. Đây cũng là thời điểm Anh bắt dầu tiêm vaccine mũi 1 cho người dân, song tỉ lệ tiêm chủng còn thấp.

Trong bối cảnh đó, Anh không nới lỏng các biện pháp mà tiếp tục tiến hành phong tỏa lần 3. Đầu tháng 1-2021, số ca nhiễm nhiều nhất trong một ngày ở London là gần 20.000 ca. Tuy nhiên, con số này có dấu hiệu giảm dần khi mức độ phong tỏa gắt hơn và tỉ lệ tiêm vaccine tăng lên.

Ngày 29-3, London ghi nhận các số liệu khả quan hơn. Trong đó, số ca mắc mới rơi vào khoảng 500 ca mỗi ngày; số bệnh nhân đang được điều trị thở máy giảm còn 158; số ca nhập viện trung bình 7 ngày giảm còn 27 ca; số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày giảm còn 369 ca; và nhất là tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 ở đạt 37%. Từ đó, Anh bắt đầu thực hiện các chính sách nới lỏng giãn cách.

Đến ngày 19-7, khi tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người dân đạt 66%, London chính thức bắt đầu các giải pháp nới lỏng dần theo bốn giai đoạn.

Nới lỏng giãn cách

Việc nới lỏng giãn cách xã hội ở London nói riêng và nước Anh nói chung được chia làm bốn giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ tiến hành nới lỏng các quy định giãn cách dần ở cấp độ nguy cơ 1 và 2.

Đối với cấp độ 1, chính phủ cho phép mở lại trường học và đại học, cao đẳng, cũng như dịch vụ chăm sóc trẻ em. Người dân được thực hiện các hoạt động giải trí hoặc tập thể dục ngoài trời với cùng hộ gia đình hoặc một người khác bên ngoài. Ở giai đoạn này, người dân được yêu cầu ở nhà. Các trường hợp như đám tang được tổ chức với tối đa 30 người tham dự, và đám cưới là tối đa 6 người tham dự.

Đối với cấp độ 2, người dân không bắt buộc phải ở nhà nhưng vẫn được khuyến khích làm việc tại nhà và không tập trung quá 6 người. Các hộ gia đình không được gặp nhau trong không gian kín. Các cơ sở thể thao và giải trí ngoài trời được phép mở cửa và được phép tổ chức thể thao ngoài trời. Trẻ em được tham gia các động ngoài trời có giám sát của phụ huynh (tối đa 15 người tham dự). Tuy nhiên, người dân vẫn phải giảm thiểu việc đi lại và không tổ chức các hoạt động du lịch.

Các nhà hàng và quán cà phê ở Old Compton Street chật kín người sau khi chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: CBC 

Giai đoạn 2 cho phép mở lại các cơ sở bán lẻ không thiết yếu, các cơ sở chăm sóc cá nhân như tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện, phòng tập thể dục và spa. Chính phủ cũng đồng ý mở cửa các điểm tham quan ngoài trời, rạp chiếu phim, mở cửa thư viện và trung tâm cộng đồng, các cơ sở chăm sóc cá nhân, tất cả các cửa hàng bán lẻ. Trong thời gian này, người dân không được tập trung quá sáu người. Đám tang được tổ chức với tối đa 30 người tham dự, trong khi đám cưới, tiệc tối đa 15 người tham dự. Các hạn chế về di chuyển vẫn tiếp tục được áp dụng.

Ở giai đoạn 3, chính phủ dỡ bỏ hạn chế đối với nhà hàng có không gian phục vụ trong nhà, các hoạt động giải trí ngoài trời còn lại, giải trí trong nhà. Cho phép mở lại các hoạt động kinh doanh lưu trú còn lại (khách sạn, ký túc xá và cơ sở lưu trú nhỏ) và các lớp tập thể dục và thể thao nhóm trong nhà dành cho người lớn.

Người dân Anh tụ tập đông đúc sau khi chính quyền nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: AP

Ở giai đoạn cuối cùng, các hạn chế về khoảng cách xã hội sẽ chấm dứt, bao gồm việc dỡ bỏ các giới hạn về tiếp xúc xã hội. Yêu cầu pháp lý đối với việc đeo khẩu trang cũng sẽ bị loại bỏ (mặc dù việc sử dụng chúng sẽ được khuyến cáo trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và không gian đông đúc đóng cửa, và sẽ vẫn bắt buộc trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở London).

Các sự kiện, khách sạn và các doanh nghiệp khác sẽ được phép hoạt động đầy đủ, bao gồm cả các hộp đêm. Các giới hạn về số người tham dự đám cưới và đám tang sẽ được dỡ bỏ. Các hạn chế đối với việc tổ chức các hoạt động tôn giáo cộng đồng sẽ kết thúc. Giới hạn dung lượng cho các buổi hòa nhạc, nhà hát và sự kiện thể thao sẽ không còn được yêu cầu. Người dân cũng không phải làm việc ở nhà nữa, theo trang sutton.gov.uk.

Tính đến ngày 11-9, chỉ còn một số ít quy định về phòng dịch được áp dụng ở London. Việc đeo khẩu trang không còn bị bắt buộc, nhưng chính quyền vẫn "mong đợi và khuyến khích" người dân đeo ở nơi đông người và trong không gian kín. Một số cửa hàng và công ty vận tải vẫn yêu cầu khẩu trang. Bất kỳ ai có các triệu chứng COVID-19 phải tự cách ly trong 10 ngày (hoặc cho đến khi họ nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính). Các hộp đêm và các sự kiện lớn được khuyến khích kiểm tra mọi người đã được tiêm phòng đầy đủ chưa. Đây sẽ là một yêu cầu pháp lý từ cuối tháng 9, theo BBC.

Các chính sách hỗ trợ người dân

Về chi tiêu công, Anh đã trích 48.5 tỉ bảng để chi tiêu cho hệ thống y tế quốc gia (NHS), dịch vụ an sinh xã hội và quỹ từ thiện. Nước này cũng có các gói trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp lương cho người dân trong thời gian tạm nghỉ lao động, cũng như chuyển tiền cho những người bị mất việc làm do dịch bệnh.

Về chính sách tiền tệ, đảo quốc sương mù đã giảm 0,1% lãi suất và tái cấu trúc nợ vay và giãn nợ.

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng tiến hành các công tác hỗ trợ vay tối đa 5 triệu bảng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và tối đa 300 triệu bản cho các doanh nghiệp lớn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm